21/9 là ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP về việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Thủ đô, nhiều hoạt động dịch vụ được phép mở cửa, không kiểm soát giấy đi đường sau 60 ngày giãn cách.
Ngay tối cùng ngày, lượng người xuống đường trong tối Trung thu tăng đột biến, dòng người chen chân đổ dồn về hồ Gươm. Tuyến đường phố Huế - Hàng Bài hướng về hồ Gươm xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện.
Theo ghi nhận, nhiều người không đảm bảo quy định 5K theo khuyến cáo của TP Hà Nội để phòng chống dịch.
Trao đổi với Dân trí sáng 22/9, ông Trương Quang Việt - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết, việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu tối 21/9 là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP Hà Nội.
"Rõ ràng Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên"- ông Việt phân tích.
Ông Việt khẳng định, Chỉ thị của Hà Nội nêu rõ việc ra ngoài đường không được tụ tập đông người, tập trung dưới 10 người và giữ khoảng cách 2 m…
"Lúc trước người dân hợp tác rất tốt, nhưng sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách, làm việc online, người dân có tâm lý bí bách, nên ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách là ra khỏi nhà ngay lập tức không cần suy xét" - Việt nói.
Chế tài xử lý đối với việc này có đầy đủ nhưng số lượng người đi chơi đông như đêm qua rất khó cho lực lượng chức năng. Ông Việt mong muốn người dân Hà Nội không lơ là chủ quan và tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định của thành phố để đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi với VietNamNet sáng nay (22/9), PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân có thể do người dân còn chủ quan là đã tiêm vắc xin.
Ông nhấn mạnh, đây là chuyện không nên lặp lại trong lúc TP mới mở cửa, chưa biết thế nào, trong khi còn nhiều người, trong đó có trẻ em chưa được tiêm vắc xin.
"Hà Nội lẽ ra nên cho qua ngày Trung thu mới quyết định nới lỏng" - ông nêu ý kiến.
Theo ông Nga, việc đông người chen chân trong đêm Trung thu đã không đúng khuyến cáo giữ khoảng cách, không thực hiện 5K, tập trung vào một chỗ đông người có nguy cơ lây lan dịch, dịch có thể bùng phát lên; còn nếu đi trên đường có khoảng cách thì không có nguy cơ lớn.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay, ngành Y tế Hà Nội phải giám sát xem từ giờ đến đầu tháng 10 dịch có bùng phát hay không, nếu dịch bùng lên thì sẽ phải trả giá đắt.
Ông khuyến cáo người dân phải thực hiện đúng 5K, ai có triệu chứng ho sốt, mệt mỏi thì phải đi xét nghiệm ngay hoặc tự mua test xét nghiệm. Chính quyền Hà Nội cũng phải có quản lý chặt chẽ việc thực hiện phòng chống dịch.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 22 quyết định từ 6h ngày 21/9, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của TP.
Hà Nội yêu cầu mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi TP dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
TP đề nghị không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng…
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)