Video: Nhân viên môi trường bị mắng xối xả khi ghi hình người vứt rác bừa bãi
Thời gian gần đây, tuyến đường dành cho người đi bộ, xe đạp dài 3km ven sông Tô Lịch song song với đường Láng mới được hoàn thành để phục vụ người dân, tạo cảnh quan đẹp và sạch sẽ cho thành phố. Sau những lo ngại của người dân về những mùi hôi thối từ sông bốc lên, các chuyên gia Nhật Bản và công nhân môi trường đã tiến hàng lắp đặt các máy sục khí với công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản để xử lý ô nhiễm.
Trong khi mọi người đang nỗ lực cải thiện tình hình ô nhiễm ở sông Tô Lịch và kêu gọi mọi người giữ vệ sinh môi trường thì mới đây một hình ảnh xấu xí ghi lại trên tuyến đường đi bộ ven sông này được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Theo đó, sáng sớm ngày 17/5, tài khoản Tường Lâm Lưu đã chụp lại hình ảnh đống thức ăn thừa cùng bát đũa và túi nilon do một nhóm người vứt la liệt ngay trên đường sau cuộc vui gây phẫn nộ.
Dọc con đường đi bộ dài sạch bóng, trơn nhẵn, bất ngờ xuất hiện một đống rác từ những chiếc bát nhựa, đũa tre, hộp xốp đến những tấm lót bằng bìa carton và những tiếc túi nilon... trông rất phản cảm từ một nhóm người thiếu ý thức. Thay vì bỏ ra vài phút đồng hồ cùng nhau thu dọn bỏ vào thùng rác thì họ lại vô tư bỏ lại sau cuộc vui của mình.
Ngay sau khi hình ảnh trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người phẫn nộ trước hành động của nhóm người này.
"Cả con đường đẹp lại bỗng nhiên xuất hiện một bãi rác xấu xí nằm đó thật khó chịu. Nếu tìm được nhóm người trên chắc chắn phải yêu cầu đi lao động công ích, thu gom rác thải hoặc làm sạch sông Tô Lịch để có ý thức hơn", một bạn trẻ bức xúc.
"Trong khi bao nhiêu nhóm người đang chung tay làm sạch môi trường, thu gom rác thải thì lại có một bộ phận người dân thiếu ý thức như vậy. Bày biện ăn uống nơi công cộng rồi bỏ lại cả một "chiến trường", một bạn khác bức xúc.
Ngay sau khi hình ảnh đống rác trên được đăng tải, thì bên dưới phần bình luận, tài khoản có tên C.T.T cũng đã chia sẻ hình ảnh đống rác được dọn sạch, trả lại mỹ quan cho tuyến đường ven sông.
Theo Nam An (Helino)