Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc

13/04/2018 14:38:45

Trong mắt của những tay cò dắt mối bán thận, Hà Nội là mảnh đất màu mỡ khiến nhiều người từ mọi miền đổ về đây bán đi một phần cơ thể.

Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc

Có mặt ở Hà Nội vào một ngày đầu đông, cái lạnh cắt da thịt dưới 10 độ, chúng tôi hẹn gặp Lan, một trong những cò buôn thận hoạt động tích cực nhất trên mạng. Lan xưng mình là y tá của một bệnh viện ở Hà Nội, làm trót lọt cho nhiều người từ miền Nam ra Hà Nội bán thận.

Lan nói tôi bắt xe ôm ra bến xe Giáp Bát sẽ có người đón. Tuy nhiên, khi chúng tôi đang trên đường từ quận Cầu Giấy ra bến xe, bất ngờ Lan gọi lại và đổi địa điểm gặp ở ngõ 364 đường Giải Phóng. 

Tại đây, đón tôi là một người đàn ông tên Quý, chừng 35 tuổi. Trước lúc hai bên gặp nhau, Quý đảo mắt, dáo dác nhìn xung quanh như đang kiểm tra xem có “vệ tinh” nào bám đuôi chúng tôi rồi mới tiếp chuyện.

Thấy an toàn, Quý đưa tôi vào quán nước cạnh đường tàu lửa để kiểm tra giấy tờ và thỏa thuận giá cả. 

“Nếu đơn hiến của anh có cả bố mẹ ký thì làm ở Việt Đức, còn chỉ bố hoặc mẹ thì làm ở Bạch Mai. Khi anh lên ca sẽ nhận được 250 triệu đồng, nếu may mắn người nhà bồi dưỡng sau mổ thêm từ 10-20 triệu đồng”, Quý nói.

Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc - 1

Trong cuộc trò chuyện, Lan hỏi đủ các thông tin về hoàn cảnh, nhân thân của tôi. Cảm thấy tin tưởng, Lan dắt tôi vào con hẻm ngoằn ngoèo, nhiều lối rẽ, như một mê cung ở gần đường ray tàu hỏa. Đi khoảng 300 m, Lan dẫn tôi vào một căn nhà 3 tầng, nơi đang nuôi hơn 5 người bán thận từ miền Nam ra. 

Leo lên lầu 1, Lan giới thiệu đây là nơi một cô gái 24 tuổi vừa “hiến” thận thành công ở một bệnh viện quốc tế, đang nằm dưỡng thương.

Lan an ủi: “Anh cứ ở đây cho thuận tiện, chỗ ở sạch sẽ. Trên anh có một chị từ Cà Mau chuẩn bị lên ca, tầng 3 có 1 con bé mới hiến xong đang dưỡng thương. Nơi này giống một gia đình, đừng lo buồn vì không có người nói chuyện nơi đất khách”.

Nói xong, Lan dẫn tôi đi gặp chị Hà, 35 tuổi, quê Đất Mũi, Cà Mau. Chị Hà ra Hà Nội chờ bán thận khoảng một tuần trước. Gặp tôi, người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, mặc bộ đồ cáu bẩn cho hay đã làm hết các xét nghiệm, ngày lên bàn mổ thì người chồng ở quê sẽ ra nuôi. “Nhiều người hiến một quả trở về vẫn sống bình thường, vẫn lấy vợ sinh con có sao đâu”, chị Hà nói với tôi và cũng tự trấn an chính mình.

Lấy lý do phải về phòng trọ lấy đồ đạc, tôi rời khỏi “hang ổ” của Lan với cảm giác như lúc nào cũng có người đi sau theo dõi. Trên đường về, tôi nhận được tin nhắn của Lan với câu hỏi: “Anh là nhà báo à?”. Tin nhắn như một lời răn đe, hăm dọa khi Lan đang hoài nghi tôi.

Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc - 2

Không thể giao dịch với Lan, tôi gọi điện cho Sơn, người tôi đã gặp ở Sài Gòn để tìm mối khác.

Sau nhiều lần hẹn, Sơn từ Sài Gòn bay ra Hà Nội rồi đón tôi tại một quán cà phê trước cổng bệnh viện Bạch Mai. Lấy lý do không đủ khả năng nuôi tôi trong suốt thời gian chờ lên bàn mổ nên Sơn “bán” tôi lại cho cò Cường và về lại Sài Gòn.

Cường kêu tôi bắt xe từ bệnh viện Bạch Mai đến bến xe Nước Ngầm để gặp một thanh niên tên Hưng. Sau vài lời chào hỏi, 20h, trời tối như mực, Hưng chở tôi vào con đường nhỏ. Ngoằn ngoèo đến mức tôi không còn xác định được phương hướng. 

Điểm đến là căn nhà cấp 4 nằm trong ngõ sâu mà sau này tôi mới biết đây là khu dân cư thuộc làng Thọ Am, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ở đây chỉ có tôi, Hưng và một người phụ nữ tên Thanh. Cả Hưng và Thanh đều là người đi bán thận, trong thời gian chờ làm các thủ tục, Hưng giúp ông chủ chở người về điểm tập kết. 

Như đã hẹn, hôm sau Cường cử đàn em tên Thịnh từ Thanh Hóa ra Hà Nội để gặp tôi bàn chuyện hiến thận. Thịnh tiết lộ, Cường có đường dây buôn bán nội tạng lớn nhất khu vực miền Bắc. Do từng môi giới thành công nhiều vụ mua bán tạng nên uy tín của “ông trùm” Cường được nhiều người biết đến. Cường không cần phải lên mạng tìm kiếm “kèo” như Lan, Quý mà nhiều người có nhu cầu vẫn tự tìm đến Cường để móc nối mua - bán thận, gan. 

Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc - 3

Sau một hồi kiểm tra giấy tờ của tôi, Thịnh gọi điện về cho “ôm trùm” báo đã gặp và kiểm tra giấy tờ đều thật.

“Ở đây Việt Đức làm nhanh nhất, tầm một tháng, còn Bạch Mai lâu hơn, Huế thì tầm 3-4 tháng. Làm với anh Cường thì an tâm, ảnh làm lâu năm rồi nên giữ chữ tín. Nếu anh không phải do Sơn giới thiệu thì anh Cường không nhận đâu”, Thịnh chắc nịch.

7h sáng 4/12, Cường từ Thanh Hóa ra hẹn gặp tôi ở một quán cà phê trước cổng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Nhưng khi tôi đến, người đón không phải là Cường mà Thịnh. Lúc này, Thịnh đang dẫn một người đàn ông khác làm các xét nghiệm trong bệnh viện. “Ông trùm” đường dây buôn bán nội tạng vẫn chưa xuất đầu lộ diện, cảnh giác xem theo sau tôi có “vệ tinh” nào không. 

Lan man trò chuyện trong quán cà phê, 30 phút sau, Cường gọi điện cho Thịnh nói chở tôi đến phố Chân Cầm. Từ Phủ Doãn qua Chân Cầm chừng 300m nhưng Thịnh chở tôi đi lòng vòng rồi mới ghé đến điểm hẹn để gặp Cường.

“Anh nói thẳng với chú mày luôn. Anh nói 240 triệu là 240 triệu, không bớt một cắc. Anh không đẩy giá ảo như mấy đứa kia lên 280 triệu đồng rồi trả chú 230 triệu đồng đâu. Làm thế có ma nó làm”, Cường thẳng thừng chốt giá.

Trên đường chở tôi về làng Thọ Am, Cường tiết lộ từng có một tuổi thơ cơ cực, lớn lên thì vào tù ra tội. Cũng từ những năm tháng tung hoành giang hồ mà Cường mới lần mò ra được đường dây buôn bán nội tạng rồi phất lên từ đó. 

Nhiều năm qua, Cường dắt mối bán thận thành công cho rất nhiều trường hợp ở Hà Nội và các tỉnh.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Cường còn nhắc đến 2 người bạn của mình đang nắm 2 đường dây khác. Bộ ba “ôm trùm” này thường hợp sức để xây dựng thành một liên minh vững chắc trong đường dây môi giới mua - bán thận.

Suốt hành trình thâm nhập vào đường dây này tôi phát hiện nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn bị các cò dụ dỗ bán thận. Số tiền họ thực nhận chỉ đủ để trả nợ. Cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. 

Trong số những con người ấy, có không ít người bất đắc dĩ trở thành cò dắt mối, phục vụ, làm giàu cho các “ôm trùm”. Để rồi, mạng lưới và chân rết của đường dây buôn bán nội tạng như vòi bạch tuộc ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Cứ thế, những chuyến xe chở người nghèo khổ về thủ đô bán thận vẫn đều đặn lăn bánh mỗi ngày. Và phía sau những chuyến xe không hồi kết ấy là nỗi đau, là nước mắt muộn mằn của những phận người trót bán đi sự sống của chính mình.

Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)