"Đòi bỏ tục chém lợn vì tâm lý tự ti, mặc cảm"

25/02/2015 17:52:43

Việc kêu gọi bỏ tục chém lợn ở làng Ném Thượng thể hiện tâm lý tự ti, mặc cảm đối với nền văn hóa của dân tộc mình", PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) nhìn nhận.

Việc kêu gọi bỏ tục chém lợn ở làng Ném Thượng thể hiện tâm lý tự ti, mặc cảm đối với nền văn hóa của dân tộc mình", PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) nhìn nhận.
- Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng chém lợn là tàn bạo và muốn loại bỏ tục này tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, quan điểm của ông thế nào?
 
- Ở Việt Nam, người dân xây dựng cho mình các vị thần bảo hộ, mà chúng ta gọi là thành hoàng làng. Để biểu thị sự tôn thờ các thánh thần, người dân sáng tạo nên lễ hội, các hình thức tế lễ, diễn xướng và lễ hội chém lợn cũng chính là nét văn hóa đó.

Người dân làng Ném Thượng thực hiện lễ chém lợn như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ tướng Đoàn Thượng, người có công chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ thứ 13. Dân làng Ném Thượng thông qua tục này để nhắc nhở con cháu nhớ đến vị thành hoàng làng. Vì thế, đây là "nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể".

Việc đòi bỏ diễn xướng chém lợn chẳng khác nào việc tranh cãi có nên ăn thịt chó hay không. Vì mỗi nền văn hóa đều có ý nghĩa riêng. Văn hóa là sự khác biệt, không nên so sánh nền văn hóa này với nền văn hóa khác.
 

Sáng mùng 6 Tết, người dân làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vẫn thực hiện nghi lễ truyền thống chém lợn giữa sân đình như mọi năm. Ảnh: Lê Hiếu.

 
- Những ví dụ nào tiêu biểu cho việc phán xét áp đặt này thưa PGS?

- Có những tục bị coi là tục tĩu như 'linh tinh phộc' tại Lâm Thao (Phú Thọ), có những lễ hội bị coi là 'dã man, tàn bạo' như đâm trâu tại Tây Nguyên, chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), và bây giờ là chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh)…

Đã có ý kiến nên bỏ lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, vì có người coi con trâu là đầu cơ nghiệp, đâm trâu là tàn bạo. Nhưng thực chất, con trâu ở Tây Nguyên chỉ là vật tế thần chứ không phải đầu cơ nghiệp như người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Chúng ta cũng thường áp đặt văn hóa của mình lên văn hóa của người khác vì thế mới nhầm hành vi diễn xướng, mang tính biểu tượng, là nghi lễ với hành động thường ngày. Chém lợn, đâm trâu trong nghi lễ khác với hành động trong lò mổ.
 

PGS.TS Bùi Quang Thắng. Ảnh: Trung Vĩnh.

 
- Những hành vi diễn xướng được cho là bạo lực phổ biến như thế nào ở các nền văn hóa lâu đời?

- Trên thế giới có nhiều lễ hội mà ta cho là "tàn bạo" nếu như không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội đó.Như tại Đan Mạch, tới tuổi trưởng thành, các chàng trai đảo Faroe phải giết một con cá heo hoặc cá voi để được công nhận là những ngư dân trưởng thành. Người Nepal giết hàng nghìn con bò để cảm tạ nữ thần Gadhima.

Hay như trong lễ trưởng thành của người Samburu (Kenya), mỗi ngày họ sẽ giết 100 con bò trong vòng một tuần.

Nếu chúng ta đứng ở góc độ của mình để kêu gọi tẩy chay các lễ hội trên là động vào niềm tin, vào văn hóa của người khác.
 

Hàng ngàn con vật bị giết tại lễ hội này để cảm tạ nữ thần Gadhimai tại Nepal

 
- Song không ít người quan điểm, dù là phong tục tập quán, nét văn hóa nhưng nếu quá bạo lực thì nên bỏ. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta hội nhập phải trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Việc lắng nghe các ý kiến phải trên cơ sở hiểu biết, chứ không phải theo đám đông. Đối với lĩnh vực văn hóa, hiện nay tổ chức cao nhất trên thế giới là UNESCO và UNESCO lại rất hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.

Đối với lễ hội chém lợn tại Ném Thượng, trước tiên chúng ta phải tôn trọng người dân và niềm tin, tín ngưỡng của họ. Tục chém lợn là một diễn xướng độc đáo thể hiện lớp văn hóa cổ xưa. Và việc kêu gọi bỏ tục lệ này thể hiện sự tự ti, mặc cảm đối với chính nền văn hóa của dân tộc mình. Nếu chúng ta không đủ tự tin, không tôn trọng chính văn hóa của mình thì đừng mong người khác tôn trọng.

Tuy nhiên, trước những tác động do hình ảnh bạo lực mang lại khi những lát cắt của lễ hội (như nhát chém, hình ảnh máu me...) được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ban tổ chức có thể nghĩ tới giải pháp như dùng phướn để che hình ảnh chém lợn. Việc chém lợn chỉ được những người tham gia trực tiếp nhìn thấy còn những người khác sẽ vẫn được cảm nhận không khí tại lễ hội độc đáo này.
 
>> Clip: Màn khai đao chém lợn đầu năm mới
>> Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Máu tươi đẫm sân đình
 
Theo Công Khanh (Zing.vn)

Nổi bật