Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc

15/04/2022 10:55:17

Đội trưởng đội bắt chó thả rông chia sẻ thời gian đầu, khi thấy chó nhà bị bắt, nhiều người phản ứng, chống đối lại tổ công tác, tuy nhiên sau khi giải thích, người dân cũng đã ý thức hơn được rất nhiều.

Khoảng 19h30 ngày 14/4, theo ghi nhận của PV Infonet, ông Ngô Nguyên Bắc - đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cùng 6 thành viên khác trong tổ buộc lồng sắt lên xe, cầm theo vợt bắt chó lên đường làm nhiệm vụ.

"Các thành viên trong tổ là bảo vệ dân phố cho biết, trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, họ đã được hỗ trợ tiêm phòng dại và được hướng dẫn kinh nghiệm xử lý để tránh bị chó cắn", ông Bắc nói và cho biết mỗi tuần ông cùng các thành viên trong đội đi tuần tra bắt chó hai buổi.

Theo ông Bắc chó vi phạm sẽ được đưa về phường nuôi nhốt và cho ăn, sau đó phát loa thông báo tìm chủ nuôi. Thường có hai lỗi bị xử phạt là không tiêm chủng và thả chó ra đường, với mỗi lỗi này, chủ nuôi chó bị phạt 1.500.000 đồng.

Đội trưởng đội bắt chó thả rông chia sẻ thời gian đầu, khi thấy chó nhà bị bắt, nhiều người phản ứng, chống đối lại tổ công tác, tuy nhiên sau khi giải thích, người dân cũng đã ý thức hơn được rất nhiều.

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc
Ông Ngô Nguyên Bắc, Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) đã có kinh nghiệm 3 năm làm việc (Ảnh Infonet))

 

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc - 1
Sau một giờ tuần tra khắp các ngõ ngách trên địa bàn phường Kim Giang, tổ đã phát hiện và thu giữ 2 chú chó thả rông ngoài đường (Ảnh Tiền Phong)
Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc - 2
Dùng vợt lưới bằng ống thép để bắt chó (Ảnh Tiền Phong)

Bà Phạm Thị Lan - chủ nhân một chú chó bị bắt cho biết tối 14/4 chó nhà bà chạy ra đường chơi thì bị tổ công tác bắt. Thấy cún cưng bị vợt lưới bắt bà chạy đến giằng co với cán bộ để dành lại chú chó.

Bà Lan cho hay chó nhà bà nhốt trong nhà không xích nên chạy ra ngoài đường, bà không để ý cho đến khi thấy nó bị bắt, hoảng quá nên bà phản ứng lại với tổ công tác.

Chủ nhân chú chó sau đó được thành viên trong tổ giải thích, bà quay về nhà lấy giấy chứng nhận tiêm chủng cho chó và lên phường nộp phạt để đưa chó về. "Tôi đã biết việc làm của mình là sai. Tôi hứa sau này sẽ xích chó cẩn thận trong nhà", bà Lan nói khi nhận lại chú chó.

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc - 3
Bà Lan giằng co với tổ bảo vệ để lấy lại con chó (Ảnh Trí Thức Trẻ)

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 14/4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết, ngoài 4 quận đang duy trì các tổ đội bắt chó thả rông, một số quận còn lại cũng đang chuẩn bị tiến hành ngay trong những ngày tới.

Trao đổi với phóng viên, ông Sơn cho biết, Chi Cục, Sở vừa tham mưu cho thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2030.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân và cộng đồng.

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc - 4
Mô hình bắt chó thả rông từng được triển khai tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân vào cuối năm 2018. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Ông Sơn cho biết, tổng số đàn chó, mèo của Hà Nội hiện khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước, sau Nghệ An. Những năm gần đây, việc nuôi chó, mèo cảnh phát triển mạnh, cá biệt có những con chó to vài chục cân, thuộc loại chó dữ.

"Tập tính của loài chó gần gũi với con người, nhưng nó cũng sẵn sàng tấn công người khác khi đang ăn hoặc vào giai đoạn sinh nở", ông Sơn nói.

Về quản lý đàn chó, mèo nuôi, ông Sơn cho biết, có hai nhiệm vụ chính, một là quản lý được số lượng, hai là kiểm soát được bệnh dại trên địa bàn.

"Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 4/12 quận an toàn bệnh dại, gồm Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, được Cục Chăn nuôi và Thú y công nhận", ông Sơn thông tin.

Một trong những biện pháp đặt ra trong kế hoạch vừa ban hành của thành phố Hà Nội là việc thành lập các tổ, đội bắt chó thả rông tại 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Ông Sơn cho biết, hiện nay, việc bắt chó thả rông nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cả chính quyền địa phương, người dân, kể cả những người nuôi chó.

"Dù hiện nay các tổ, đội bắt chó thả rông không quá nhiều, nhưng đã góp phần hình thành ý thức cho những người nuôi chó phải tuân thủ quy định của pháp luật. Thứ nhất phải đăng ký với chính quyền địa phương, tuân thủ triệt để việc tiêm phòng vắc xin dại, khi đưa chó ra ngoài đường phải rọ mõm, xích và có người dắt. Cảnh quan Thủ đô, một số nơi công cộng cũng đẹp hơn khi không có quá nhiều chó chạy lông nhông", ông Sơn chia sẻ thêm.

Đội bắt chó thả rông của Hà Nội ra quân: Nhiều chủ chó giằng co, bật khóc - 5
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Nội (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Chia sẻ thêm trên Tri Thức Trực Tuyến, ông Sơn cho biết, quá trình hoạt động, các đội gặp nhiều khó khăn như dụng cụ bắt chó chưa chuyên dụng, nhiều con chó to khi bị bắt đã gây thương tích cho tổ. Đồng thời, khi chưa xác minh được chủ của vật nuôi, phường sẽ phải quản lý cả việc nuôi nhốt, chăm sóc và thông báo để chủ nhân tới nhận chó.

Ngoài ra, thù lao cho những người đi bắt giữ chó còn thấp so với công sức họ bỏ ra, nên khiến nhiều người không mặn mà tham gia vào đội. Hiện nay còn có nhiều giống chó rất đắt tiền, từ hàng chục đến cả trăm triệu, nên việc chăm sóc những con chó này lúc bắt giữ cũng đặt ra nhiều vấn đề do đây là tài sản lớn.

Lý giải tình trạng nhiều người không cho chó đeo rọ mõm khi ra nơi công cộng, ông Sơn cho biết nguyên nhân khách quan đến từ việc nhiều con chó sẽ phản ứng nếu như bị đeo rọ, quấn xích. Còn nguyên nhân chủ quan là người nuôi không huấn luyện để con vật quen với việc đeo rọ mõm, cũng như không có ý thức về việc này.

Trước mắt, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, đồng thời bảo vệ vật nuôi của mình bằng các bước: khai báo về vật nuôi với chính quyền địa phương, tiêm vaccine phòng dại, con vật phải được đeo rọ mõm và có người dắt ở nơi công cộng.

NT (Nguoiduatin.vn)