Độc quyền SGK, phụ huynh chi 1.000 tỷ mua sách rồi bán đồng nát

18/09/2018 08:52:05

Việc chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách cả nước đã giúp NXB Giáo dục Việt Nam có doanh thu tăng trưởng hàng năm từ 5 – 10%. Lợi nhuận cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, từ 32 tỷ đồng năm 2015 lên 150 tỷ đồng năm 2017.

Nhưng từ một góc nhìn khác, mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi khoảng 1.000 tỷ để mua SGK rồi làm thẳng bài tập vào sách, trong khi năm sau sách tái bản không có nội dung gì mới.

“Ăn nên làm ra” nhờ độc quyền SGK?

Tính tới thời điểm hiện nay, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là NXB Giáo dục Việt Nam) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018. Những văn bản thông tin tình hình tài chính mới nhất được NXB Giáo dục Việt Nam gửi đến Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều là các số liệu ghi nhận tình hình hoạt động kinh doanh của NXB trong năm 2017.

Giai đoạn 2015 - 2017, những chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục Việt Nam) đều cho thấy những dấu hiệu khả quan.

Độc quyền SGK, phụ huynh chi 1.000 tỷ mua sách rồi bán đồng nát
Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK

Doanh thu thuần của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2016 (công ty mẹ) ghi nhận ở mức 1.080 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 735 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của riêng sản phẩm này xấp xỉ 130 tỷ đồng. Nguồn thu còn lại đến từ sách tham khảo, sách bổ trợ, buôn bán vật tư...

Bước sang năm 2017, doanh thu thuần nhích nhẹ lên hơn 1.110 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2015, lợi nhuận trước thuế của NXB Giáo dục Việt Nam là 32 tỷ đồng. Tới năm 2016 là 72 tỷ và sau 1 năm thì tăng vọt lên 151 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính, bán tài sản cố định và cho thuê bất động sản.

Độc quyền SGK, phụ huynh chi 1.000 tỷ mua sách rồi bán đồng nát - 1
Theo thống kê, năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản, chưa tính sách tham khảo (Ảnh minh họa)

Đi sâu vào kết quả kinh doanh năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam, có thể thấy khoản doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 đã tăng hơn 13 tỷ đồng (tương ứng tăng hơn 20%), trong khi chi phí tài chính NXB lại hoàn nhập hơn 3,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, khoản này chiếm tới 51,6 tỷ đồng.

Còn chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ. Sau khi khấu trừ các chi phí nói trên, lợi nhuận thuần của NXB Giáo dục tăng hơn gấp đôi năm 2016, đạt 145 tỷ đồng.

Cộng thêm khoản lợi nhuận khác gần 5,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận có tới 150,8 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 theo đó tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ lên 139,79 tỷ đồng

Đến cuối 2017, NXB Giáo dục đang có khoảng 171,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Dù kết quả kinh doanh khác tốt, song trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2017 - 2022, NXB Giáo dục Việt Nam đều đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá bìa bộ sách hiện hành ít nhất 10% để đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.

Đây được xem là một trong những giải pháp để nhà xuất bản này hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4% mỗi năm và cán mốc doanh thu 1.500 tỷ đồng vào năm 2022.

Mỗi năm chi ngàn tỷ mua sách giáo khoa rồi bán đồng nát

Đây là thực trạng được bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, nêu ra sáng 12.9, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, hiện nay cử tri hết sức bức xúc với việc SGK sử dụng một lần.

Độc quyền SGK, phụ huynh chi 1.000 tỷ mua sách rồi bán đồng nát - 2
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện nay cử tri hết sức bức xúc với việc SGK sử dụng một lần (Ảnh: quochoi.vn)

Trưởng ban Dân nguyện cho biết, qua tìm hiểu, tổng doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1041 tỉ đồng; 2016 là 1.147 tỉ đồng; năm 2017 là 1.203 tỉ đồng. Đặc biệt, theo thống kê, năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4% và đây mới chỉ là SGK, chưa kể sách tham khảo.

Bà Hải nhấn mạnh, cử tri phản đối việc sử dụng SGK một lần, vì như vậy là rất lãng phí. Ví dụ, năm 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK. 100 triệu bản sách này sang năm hoàn toàn không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để... bán đồng nát.

Bà Hải cũng cho biết thêm, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK. Nguyên nhân lãng phí được chỉ ra là do những quyển sách đó chỉ sử dụng một lần bởi có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải….

Vấn đề này cử tri theo đuổi rất lâu, các đại biểu Quốc hội cũng nói rất nhiều, vì thế, bà Hải đề nghị trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này cần quan tâm tới nội dung trên.

Theo Hoàng Thắng (Dân Việt)