7 tháng chuẩn bị
PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ BV Việt Đức, Giám đốc TT Phẫu thuật thần kinh cho biết, bệnh nhân tham gia ca mổ đặc biệt này là anh Nguyễn Trung K., 36 tuổi, là doanh nhân tại Hà Nội.
Từ đầu năm 2018, anh K. thỉnh thoảng thấy đau đầu, sau đau tăng dần rồi nhanh chóng chuyển sang co giật, động kinh 2 lần liên tiếp. Gia đình đưa anh K. đến BV Việt Đức thăm khám, bác sĩ xác định anh mắc u tế bào thần kinh đệm, chèn ép vào nhiều vùng chức năng của não.
Tháng 4/2018, anh K. bước vào ca phẫu thuật lấy u bằng phương pháp kinh điển. Tuy nhiên PGS Hệ cho biết, khối u của bệnh nhân kích cỡ lớn, nằm sát các vùng chức năng như vận động, ngôn ngữ... nên bác sĩ không thể khoét sâu lấy hết u, vì nếu lấy sạch, nguy cơ bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ rất cao.
Do đã ấp ủ phương pháp phẫu thuật thức tỉnh từ lâu, BV Việt Đức đã cử nhiều bác sĩ đi học tại nhiều nước và vào tháng 6/2018, BV mời 2 chuyên gia người Nhật sang để xem xét các điều kiện chuyển giao kĩ thuật.
Điều kiện cần và đủ là ngoài trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có tay nghề, quy trình chuẩn còn cần bệnh nhân đủ bản lĩnh, có thể nói được tiếng Anh để có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ trong suốt cuộc mổ mà không cần qua phiên dịch.
Sau hơn nửa năm chuẩn bị, tìm bệnh nhân phù hợp, sáng 28/1, 2 bác sĩ người Nhật là Takashi Maruyama và Kotoe Kamata trực tiếp sang BV Việt Đức mổ thị phạm, đồng thời chuyển giao kĩ thuật mổ thức tỉnh cho các bác sĩ Việt Nam.
Bệnh nhân vừa mổ vừa hát
Ca mổ cho bệnh nhân K. bắt đầu lúc 10h sáng và kéo dài suốt 6 tiếng, trong đó bệnh nhân có 4 tiếng “ngủ” để bác sĩ bóc tách các phần khối u ở vùng ít nguy hiểm. Phần khối u nguy cơ còn lại, bác sĩ sẽ “đánh thức” bệnh nhân dậy, thay vì gây mê, bác sĩ chỉ cần gây tê da đầu, màng não, giúp bệnh nhân tỉnh hoản toàn trong suốt 2 tiếng còn lại.
“Trong suốt cuộc mổ, bệnh nhân vẫn nói chuyện với bác sĩ. Bệnh nhân được yêu cầu đếm từ 1-10, trả lời các câu hỏi về tên tuổi, gia đình, thực hiện các động tác giơ tay, giơ chân. Khi đề nghị hát, anh K. hát liên tiếp nhiều bài trong đó có Quốc ca và bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, PGS Hệ chia sẻ.
Theo PGS Hệ, nếu mổ theo phương pháp cũ, gây mê sâu, bệnh nhân ngủ thì bác sĩ sẽ khó biết trong quá trình phẫu thuật có đụng chạm vào chức năng nói và chức năng vận động của bệnh nhân hay không.
Với mổ thực tỉnh, bệnh nhân trao đổi trực tiếp sẽ giúp bác sĩ có thể theo dõi, trường hợp va chạm vào vùng chức năng nói, vận động... sẽ kịp ngừng lại ngay.
Ca mổ thành công, khối u lấy ra có kích cỡ lên tới 6cm. Ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Đặc biệt, chi phí mổ thức tỉnh không đắt hơn phương pháp kinh điển.
Tuy nhiên cái khó nhất của phương pháp này là phải có sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng của bác sĩ mổ, bác sĩ gây mê, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của bệnh nhân. Trong đó bác sĩ gây mê phải tính toán liều thuốc mê sao cho vừa đủ để xử lý vùng khối u ít nguy hiểm trước khi chuyển sang mổ thức tỉnh. Về phía bệnh nhân phải có tâm lý vững vàng, nếu đang mổ bệnh nhân giãy giụa có thể khiến não lòi ra ngoài.
PGS Hệ cho biết, trong thời gian tới, BV Việt Đức sẽ áp dụng phương pháp mổ mới này cho nhiều trường hợp bệnh lý khác. Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm thiểu di chứng cho phẫu thuật, tránh liệt, tránh rối loạn ngôn ngữ.
Theo PGS Hệ, phương pháp mổ thức tỉnh được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến, tại Nhật đã áp dụng 20 năm, tuy nhiên đây là ca mổ đầu tiên tại Việt Nam.
U tế bào thần kinh đệm là u hay gặp nhất trong não, làm tăng áp lực trong sọ khiến bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, mắt nhìn đôi, khứu giác giảm, thậm chí rối loạn hành vi, liệt nửa người, rối loạn nội tiết. Do đó khi người dân có những triệu chứng này cần đến các cơ sở để kiểm tra ngay, phát hiện u não kịp thời.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)