|
Trong 10 năm qua, TP HCM đã đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng để giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn. Ảnh: An Nhơn |
Công trình được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và ngân sách. Theo dự kiến, trong thời gian 8 năm, thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất chiếm 15% giá trị dự án và phần thanh toán bằng tiền chiếm 85%. Thời gian triển khai dự án dự kiến từ năm 2015 đến 2018.
Một số hạng mục được công ty này đề xuất xây dựng để chống ngập cho thành phố gồm 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định); xây dựng gần 7 km đê ven sông và 68 cống nhỏ dưới đê. Các công trình này nằm rải rác trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh.
Theo UBND TP, dự án này khi được hoàn thành sẽ giúp giảm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp có thể xảy ra do ngập lụt, triều cường trong khu vực bị tác động với diện tích 570 km2 với 6,5 triệu dân sinh sống ở bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm thành phố.
Đánh giá về hiện trạng ngập tại TP HCM, UBND TP cho biết tốc độ đô thị hóa ở thành phố diễn ra nhanh, dân số tăng nhanh (sau 40 năm tăng gấp 5 lần với dân số hơn 10 triệu người chưa tính dân vãng lai) dẫn đến quá tải hạ tầng, hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thực hiện các Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thành phố phải tập trung giảm ngập, tạo chuyển biến rõ rệt trong 5 năm tới, trước hết là ở khu trung tâm.