Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội mới đây cho biết thành phố sẽ tính tới việc cho phép đậu xe dưới lòng đường và trên hè phố. Theo đó, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn...
Có thể nói, việc TP Hà Nội tính tới việc cho phép đậu xe, gồm cả ôtô và xe máy, dưới lòng đường và vỉa hè được xem như việc chẳng đặng đừng. Bởi theo nguyên tắc, lòng đường là nơi để xe cộ đi lại, còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng, trên thực tế, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, trong khi các nơi đỗ xe lại quá ít nên người dân chẳng có cách nào khác là phải tìm mọi cách để dừng đỗ xe ở nơi có thể, cho dù đó là lòng đường hay vỉa hè, được cấp phép hay không được cấp phép. Bất chấp việc này có thể bị lực lượng chức năng xử phạt "nóng" tại chỗ hay "nguội" sau này.
Theo Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, TP Hà Nội trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 17.000 xe máy và 3.000 ôtô. Năm 2010, Hà Nội mới có 3,9 triệu ôtô, xe máy, nhưng đến cuối năm 2022, con số này là hơn 7 triệu chiếc, tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, nội thành Hà Nội hiện có 57 bãi đỗ xe với diện tích gần 45 ha, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu.
Vì thế, tình trạng thiếu chỗ đỗ xe đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Hà Nội. Thành phố đã phải tận dụng lòng lề đường để làm hơn 166 điểm trông giữ xe nhưng vẫn là chưa đủ bởi lượng xe tăng nhanh từng ngày. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, với tốc độ tăng như hiện nay, diện tích dành cho giao thông tĩnh, chủ yếu là các bãi trông giữ xe phải gấp từ 15-20 lần hiện nay.
Để khắc phục tình trạng tìm "đỏ mắt" chỗ đỗ xe, Hà Nội vào tháng 4-2022 đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm, từ 3-5 tầng hầm ở 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ; đến năm 2025, phấn đấu xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng với tổng mức đầu tư 29.872 tỉ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, việc triển khai gần 1 năm qua vẫn đang "vướng" đủ thứ, từ hành chính đến pháp lý. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe công cộng vẫn khó triển khai do không thu hút được nguồn lực xã hội hóa bởi chưa có đủ cơ chế, chính sách hấp dẫn các nguồn lực xã hội.
Nghiên cứu việc cho phép đậu xe dưới lòng đường và trên hè phố vì thế được xem như giải pháp tình thế, giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt. Song lâu dài và căn cơ vẫn phải có cơ chế, chính sách để hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào giao thông tĩnh ở thủ đô.
Theo Phan Đăng (Nld.com.vn)