Theo ông Thao, các tin nhắn đe dọa này liên quan đến việc ông chỉ đạo thực hiện giải tỏa các công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Cụ thể, trước Tết Nguyên đán 2017, chính quyền xã Hố Nai 3 ra quân kiểm tra và phát hiện 54 trường hợp vi phạm. Đã lập biên bản 45 trường hợp xây dựng nhà kiên cố, ki ốt kinh doanh và lán trại lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, đồng thời yêu cầu tự tháo dỡ công trình trước ngày 30.4. “Kể từ đó điện thoại của tôi bắt đầu nhận được nhiều tin nhắn đe dọa từ số điện thoại lạ. Khi tôi gọi lại vào các số điện thoại này thì không liên lạc được”, ông Thao cho hay và kể: “Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn đe dọa nhưng do bộ nhớ máy đầy nên các tin nhắn tự động bị xóa đi, hiện tại chỉ còn lưu 4 tin nhắn gần nhất từ 3 số điện thoại di động khác nhau”. Trong đó, tin nhắn vào ngày 28.2 có nội dung: “Cứ giải tỏa đi Thao, chúng tao không cần nữa chỉ cần đôi mắt của mày thôi Thao, thù này quyết phải trả kể cả lâu dài” (tạm dịch từ nội dung tin nhắn không dấu - PV). Tin nhắn cuối cùng vào ngày 18.3 có nội dung: “Lời khuyên chân tình, cháu đừng đấu với dân, 9 người 10 tính, họ mất miếng cơm thì hậu quả khó lường”.
Một tin nhắn đe dọa mà ông Thao nhận đượcẢNH: LÊ LÂM |
Sau khi nhận được tin nhắn đe dọa, ông Thao đã có văn bản báo cáo công an và UBND H.Trảng Bom. Ngay sau đó, UBND H.Trảng Bom cũng đã có văn bản chỉ đạo công an điều tra, làm rõ.
Liên quan việc giải tỏa các công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, sau khi bị buộc tháo dỡ công trình trước ngày 30.4, một người đã đứng ra đại diện cho 54 hộ dân cùng ngụ tại ấp Ngũ Phúc (xã Hố Nai 3) viết đơn xin UBND H.Trảng Bom được gia hạn thời gian tháo dỡ công trình lều quán, nhà ở và các công trình khác dựng trái phép trên đất thuộc hành lang an toàn đường sắt đến ngày 20.7. Tuy nhiên, ngày 5.3, UBND H.Trảng Bom có văn bản không chấp nhận đơn cứu xét này.
Thực tế, dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn xã Hố Nai 3 bị lấn chiếm rất nhiều bởi cơ sở sản xuất gỗ, quán nhậu, nước giải khát, ki ốt bán hàng, lều bạt buôn bán vô tư, thậm chí còn có cả một dãy phòng trọ kiên cố. Ông Hoàng Viết Tùng, Cung trưởng Cung đường sắt Hố Nai, cho hay: “Việc xây dựng công trình như vậy làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của đoàn tàu. Khi gặp sự cố thì tổ lái tàu không phát hiện kịp để xử lý, tránh tai nạn xảy ra”. Tại khu vực này, ngày 24.2 đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt làm 2 người đi xe máy tử vong tại chỗ, nguyên nhân là các công trình gần đó lấn chiếm làm khuất tầm nhìn khiến lái tàu xử lý không kịp.
Theo Công ty CP đường sắt Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 89,172 km, thì có tổng cộng 123 điểm giao cắt, trong đó có đến 66 lối đi dân sinh trái phép (thống kê đến ngày 31.12.2016). Năm 2016, Công ty CP đường sắt Sài Gòn tổ chức xóa bỏ, thu hẹp 52 lối đi dân sinh. Tuy nhiên, có một số vị trí sau khi công ty tổ chức rào xóa bỏ, thu hẹp thì lại bị người dân gỡ ra, có nhiều điểm chưa thực hiện được do người dân ngăn cản. |
Theo Lê Lâm (Thanh Niên Online)