Hồ Hòa Bình có 12 cửa xả đáy thì đã phải mở đến 8 cửa để thoát lũ, đảm bảo an toàn hồ đập.
Hồ Hòa Bình đã phải mở đến 8 cửa xả đáy để thoát lũ. Ảnh Việt Linh. |
Sáng 11/10, ông Đặng Trần Công – Chánh Văn phòng Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình đang ở mức 117,3 mét, lưu lượng về ở mức 9.380m3/s và theo dự báo còn gia tăng lên mức 10.000m3/s.
Tính đến 11 giờ sáng nay 11/10, hồ Hòa Bình đã phải mở tới 8 cửa xả đáy để thoát lũ. Đây là một trong 2 lần mở cửa xả đáy lớn nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên hồ Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ là vào khoảng cuối những năm 90.
Theo ông Công, việc xả lũ là hoàn toàn bình thường chứ không có gì bất thường. Xuất phát từ việc những ngày qua trên khu vực thượng nguồn có mưa lớn liên tục nên nước lũ đổ về lòng hồ lớn. Để đảm bảo an toàn hồ đập nên công ty phải xả lũ.
Hiện nay, do mưa lớn kết hợp với hồ Hòa Bình xả lũ, nhiều nơi ở Hòa Bình đang bị ngập lụt nặng và mất điện trên diện rộng. Ghi nhận ban đầu, mưa lũ đã làm 7 người chết tại Hòa Bình, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân.
Với tình hình mưa lũ vẫn diễn ra phức tạp, tùy vào tình hình thực tế, hồ Hòa Bình vẫn có thể phải mở thêm cửa xả lũ. Vậy trong trường hợp phải mở cả 12 cửa xả đáy, điều gì sẽ xảy ra đối với TP. Hòa Bình và các vùng hạ du?
Về vấn đề này, chiều 11/10, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến 15h chiều, hồ Hòa Bình đã đóng 1 cửa xả đáy (duy trì 7 cửa xả). Mưa lũ vẫn diễn ra phức tạp vì thế, tùy vào tình hình cụ thể mà đóng hoặc mở thêm cửa xả đáy.
Ông Dũng cho biết thêm, trong lịch sử hoạt động của hồ Hòa Bình, chưa bao giờ phải mở 12 cửa xả đáy.
Trường hợp phải mở cả 12 cửa này, ông Dũng cho hay: “Nếu phải mở cả 12 cửa xả đáy, TP Hòa Bình sẽ phải sơ tán toàn bộ dân. Một số xã vùng thấp thuộc huyện Kỳ Sơn cũng sẽ bị ngập nặng và phải di dời dân. Vùng hạ du thì không tránh khỏi việc ngập nhà cửa, thiệt hại về tài sản lớn”.
Công trình thủy điện Hòa Bình có công suất lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công từ năm 1979 đến 1994, cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện Việt Nam. Nó có bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy. Dung tích hồ chứa là 9 tỷ m3, chiều dài đập 734 m, chiều cao 128 m. Công suất thiết kế của công trình là 1.920 MW, mực nước dâng tối đa là 120 mét. |
Theo Triệu Quang (Dân Việt)