“Điều kiện thi tuyển công chức của Hà Nội vẫn mắc bệnh bằng cấp, nếu cần bằng tiến sĩ, bằng đại học để xét tuyển chỉ làm tăng lượng bằng cấp giả”, PGS. Văn Như Cương bày tỏ.
Quá chú trọng bằng cấp
Trao đổi với phóng viên, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội không đồng tình với một số điều kiện trong kế hoạch thi tuyển công chức của Hà Nội năm 2015.
Theo PGS. Văn Như Cương, những điều kiện thi tuyển công chức của Hà Nội đưa ra đó là quyền của địa phương bởi mỗi nơi có một quy định riêng. UBND TP Hà Nội cần nhân lực chất lượng cao nên có các điều kiện như vậy. Tuy nhiên, ông cũng không đồng tình với một số điều kiện do Hà Nội đưa ra.
Thí sinh chen chúc chờ nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục thuế Hà Nội (Ảnh: Khám phá) |
Hiệu trưởng Trường THPTDL Lương Thế Vinh lý giải, hiện nay số lượng thủ khoa đại học ở ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội không nhiều. Một số nơi, không tín nhiệm thủ khoa vì nhiều em học giỏi trong trường nhưng khi ra thực tế lạ không làm được việc.
“Với quyết định như thế, số lượng đăng ký thi tuyển công chức tại Hà Nội sẽ không tốt. Đôi khi tuyển chọn người có bằng cấp thấp nhưng làm việc lại tốt hơn nhiều”, PGS. Văn Như Cương nói.
Ông cho rằng: "Ngày nay thi tuyển công chức chỉ xét về bằng cấp, sẽ tạo ra khe hở cho những người không làm được việc, sẽ tái diễn tình trạng công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
PGS. Văn Như Cương dẫn chứng về những lần tuyển người vào trường của mình: “Khi tôi tuyển người, bằng cấp cũng không nói lên được điều gì. Khi tuyển chọn, tôi tuyển rất kỹ bằng bài kiểm tra. Có những hồ sơ ghi giáo viên dạy giỏi 3 năm, chiến sĩ thi đua, tôi cũng không quan tâm. Tôi chỉ cần người dạy tốt, quan tâm đến học sinh”.
Hiệu trưởng Trường THPTDL Lương Thế Vinh cho rằng, cần thay đổi cách nhìn về tuyển dụng, nếu làm được, bằng cấp sẽ không quan trọng mà quan trọng là người lao động làm được việc.
Có hại cho đường lối giáo dục
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cũng không đồng tình với một số điều kiện thi tuyển công chức của Hà Nội năm 2015 như: Tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi mới được thi công chức.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng lý giải, nhà nước đang chủ trương xã hội hóa các trường đại học, cao đẳng. Nếu các trường tư không được thi công chức tại Hà Nội sẽ có hại cho đường lối giáo dục. Hà Nội sẽ không thể lựa chọn được công chức có năng lực.
“Tôi rất ngạc nhiên khi biết tin Hà Nội phân biệt trường công và trường tư để thi tuyển công chức bởi đánh giá trường công lập hơn trường tư là điều không đúng, không có cơ sở”.
Theo ông, các nước trên thế giới đều theo xu hướng xã hội hóa các trường đại học, cao đẳng. Chẳng hạn: ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, có tới 80% trường ngoài công lập mà nhân lực vẫn rất tốt. Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều trường dân lập đạt chất lượng. Như vậy, tiêu chí này không phù hợp với ý tưởng xã hội hóa giáo dục.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, hệ lụy của việc phân biệt bằng cấp có thể dẫn tới nhiều người sử dụng bằng giả.
Do đó, bằng cấp chỉ là tiêu chí để cơ quan đánh giá người đó đã tốt nghiệp trường nào đó. Tuy vậy, nếu bằng cấp đích thực thì rất có giá trị.
Ngoài ra, người làm việc tốt cần phải có kỹ năng như: Giao tiếp, ngoại ngữ, thái độ. Công chức phải tuyển một người có năng suất lao động tốt, đạo đức tốt, không hách dịch, không tham ô, lãng phí.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, điều kiện xét tuyển công chức của Hà Nội chưa khoa học.
“Tôi tán thành quan niệm tuyển dụng là chọn nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chỉ dựa vào bằng cấp không là chưa đủ tin cậy. Bằng cấp bây giờ chỉ là một phần tham khảo để công chức thể hiện năng lực”, ông Lâm bày tỏ.
Ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, sau khi quyết định này được đưa ra, xét về mặt tâm lý, chắc chắn sẽ có nhiều người ngoại tỉnh lo lắng. Tuy nhiên, do số lượng tuyển công chức hạn chế nên những điều kiện đó vẫn được coi là hàng rào để sàng lọc người có năng lực.