Điều kiện để du học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi covid-19 về nước học tập là gì?

24/07/2020 10:41:42

Các trường đại học trong nước sẽ tiếp nhận du học sinh trở về nước, sinh viên quốc tế tiếp tục được theo học các chương trình đào tạo tại Việt Nam...

Chiều 23/7, cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập” với sự tham gia của các vị khách mời là bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ Giáo dục & Đào tạo), đại diện lãnh đạo đại học Bách Khoa Hà Nội, đại diện lãnh đạo đại học Ngoại thương.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các trường đại học khẳng định đã ở tâm thế sẵn sàng với tình huống tiếp nhận và hỗ trợ các lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài không bị gián đoạn học tập. Theo đó, đại học Bách Khoa Hà Nội có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn về khoa học công nghệ và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngoại ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, du học sinh Việt Nam khó có thể trở lại nước ngoài học tập trong thời gian tới do vậy các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, khả năng học tập các chương trình, đặc biệt là các chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình liên kết đào tạo nước ngoài giảng dạy bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học cũng cho hay, dù du học sinh đã được tuyển đầu vào đại học ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung và yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành...

Điều kiện để du học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi covid-19 về nước học tập là gì?
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lao Động Thủ Đô

Thủ tục khi cho du học sinh quay trở lại nước học tập đã ghi rất rõ trong thông tư 10/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, tại điều 10, khoản 3. Du học sinh có thể căn cứ theo thông tư này để làm thủ tục.

Bên cạnh đó, để tiếp nhận du học sinh về trong nước học tập cần xem xét điều kiện từ phía cơ sở giáo dục đại học như trường có đủ năng lực đào tạo, còn chỉ tiêu phù hợp với điều kiện tuyển sinh. Các điều kiện đầu vào với các sinh viên trong quá trình nhập học cũng không được thấp hơn so với thông thường của chương trình tương ứng… Bên cạnh đó, các trường đại học cần căn cứ chương trình đào tạo, nội dung, yêu cầu chuẩn đầu ra và số tín chỉ… để xem xét chấp nhận một phần tín chỉ hay các học phần phù hợp để tiết kiệm thời gian học tập cho du học sinh trong thời gian tới.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: "Nỗi lo của đại học Ngoại thương nhiều năm qua là tinh thần chuộng ngoại của các sinh viên. Nhiều bạn học ở trong nước 2 đến 3 năm là bỏ ra nước ngoài học ở một trường mà thực tế có xếp hạng rất thấp. Tôi nghĩ covid-19 là cơ hội để các du học sinh Việt Nam quay trở lại Việt Nam để cảm nhận chất lượng của các trường đại học Việt Nam đã thay đổi như thế nào.

Thời gian này, các trường đại học ở Việt Nam đã công bố cách thức tuyển những du học sinh Việt Nam từ nước ngoài trở về cũng như sinh viên quốc tế. Các trường đều công bố rất nhiều chương trình giáo dục quốc tế, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hấp dẫn để thu hút học viên.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, các du học sinh có nhiều chương trình học phù hợp để lựa chọn. Tùy thuộc vào chương trình mà các em lựa chọn, trong đó có chương trình liên kết do trường đối tác quốc tế cấp bằng hoặc do trường tại Việt Nam cấp bằng và có cả song bằng. Trong trường hợp, sinh viên vẫn muốn cấp bằng của trường nước ngoài đang theo học thì trước tiên, các em phải làm thủ tục bảo lưu trong trường hợp 2 trường chưa có thỏa thuận liên kết đào tạo. Trong quá trình ở Việt Nam, các em tiếp tục tích lũy các tín chỉ để sau khi dịch covid-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại và hoàn thành chương trình học. Do đó, các em sinh viên phải rất chủ động để có tư vấn từ các trường đang theo học ở nước ngoài và nắm rõ vấn đề kiểm định tín chỉ học trong nước.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng ban Đào tạo đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Cùng với công văn của bộ Giáo dục & Đào tạo, chúng tôi cũng yêu cầu các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng chương trình học chi tiết hơn, theo đó công bố khung chương trình, từng loại hình đào tạo, chương trình liên kết nào do ĐHQG Hà Nội cấp bằng hay do trường đối tác quốc tế cấp bằng… Như vậy, các em có thể nắm được điều kiện và nộp hồ sơ".

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo đại học Bách Khoa Hà Nội, các sinh viên đã vào các trường đại học nước ngoài với quá trình học tập tốt thì khi quay trở lại học tại Việt Nam, các trường đại học trong nước sẽ có cơ sở xem xét tuyển trên bảng thành tích.

Trước đó, thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, ngày 15/7, Thứ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận các học sinh không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch covid-19.

Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế. Bộ yêu cầu các trường xem xét, tiếp nhận các em có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Theo Hương Lan (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật