Chiều 8/10, BQL Khu kinh tế Hải Phòng phát đi thông báo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Iiyama Seiki đã thay mặt ban giám đốc gửi lời xin lỗi đến toàn thể cán bộ công nhân viên, đồng thời quyết định điều chuyển công tác ông Yoshiharu Jin về công ty mẹ tại Nhật Bản từ ngày 3/10.
Trước đó, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã gửi thư đề nghị ông Tadashi Terasaka, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Iiyama Seiki có biện pháp xử lý đối với giám đốc công ty để ổn định hoạt động sản xuất và hài hòa mối quan hệ lao động, không để bức xúc không cần thiết cho người lao động.
Sau khi nhận được sự chỉ đạo và thư của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, lãnh đạo Công ty TNHH Iiyama Seiki đã sang Việt Nam để xử lý vụ việc và thực hiện một số biện pháp nhằm ổn định tình hình hoạt động của Công ty TNHH Iiyama Seiki Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên.
Công ty TNHH Iiyama Seiki tiếp tục phối hợp cùng với Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động, thu thập và lắng nghe ý kiến của người lao động, ổn định, động viên tinh thần của người lao động. Công ty sẽ làm việc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở nhằm giải quyết chế độ cho người lao động để họ yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.
Như đã đưa tin, 2 công nhân của công ty là anh Trịnh Quang V. (ISV 155) và anh Nguyễn Văn Th. (ISV 190) có đơn xin nghỉ việc từ ngày 23/8. Nguyện vọng của 2 công nhân này đã được công ty đồng ý và ra biên bản chấm dứt hợp đồng lao động theo luật định, hiệu lực từ 24/9.
Tuy nhiên, chiều 23/9, một giám đốc của công ty lại ký và dán thông báo lên bảng tin thông báo sa thải 2 công nhân trên cùng với nhiều lời lẽ có ý xúc phạm nhân phẩm họ. Vị này còn in hình cây kéo cắt ngang cổ 1 người đàn ông, khiến công nhân hoang mang.
Nội dung bản thông báo ghi rằng: "Tôi đã quyết định sa thải bạn lần này. Xin lưu ý rằng chúng tôi sẽ thông báo cho bạn tại đây dựa trên Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động. Ngày thông báo sa thải: 22/9. Ngày sa thải: 24/9. Lý do sa thải: Do điều kiện lao động cực kỳ kém, không có triển vọng cải thiện, không hoàn thành trách nhiệm công việc của người lao động được quy định trong nội quy lao động".
Thông báo cũng nêu rõ nhân chứng gồm Giám đốc nhà máy, Giám đốc Bộ phận tổng hợp, Phó giám đốc, Kiểm soát sản xuất, Giám đốc Bộ phận sản xuất, Chủ tịch Công đoàn.
Tập thể người lao động công ty IIYAMA SEIKI cũng đã có đơn gửi Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn công ty vì cho rằng bị ông giám đốc chèn ép, đối xử không đúng với luật pháp Việt Nam khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên các nhóm nội bộ công ty; tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, gây mất giấc ngủ và quyền riêng tư của họ.
Theo Hoài Anh (VietNamNet)