Dưới đây là chia sẻ của ThS Phạm Thị Nguyệt Quyên - Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tâm dịch.
Điều thực sự diễn ra bên trong "tâm dịch"?
Ngay khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - "thành trì cuối cùng" trở thành tâm dịch, rất nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, Ths. Phạm Thị Nguyệt Quyên khẳng định "tâm dịch" lúc này vẫn rất bình yên và an toàn.
"Bản thân người làm bác sĩ đã có tố chất dũng cảm, ít sợ hãi, và ở đây, chúng tôi còn trải qua rất nhiều lần cách ly nên hoàn toàn chủ động đối mặt với dịch bệnh".
Một số cán bộ nhân viên y tế có con nhỏ đang trong thời gian bú sữa mẹ gặp khó khăn nhiều hơn. Việc phong tỏa dù đã luôn được chuẩn bị nhưng thời gian chính xác sẽ diễn ra là điều không thể dự báo. Các y bác sĩ cũng không thể tránh khỏi bất ngờ. Họ không chuẩn bị đủ sữa , thức ăn dự trữ cho con. Hoặc có người lo lắng vì con nhỏ rất bám bố mẹ. Trong khi đó, việc cách ly khiến họ phải xa con nhỏ thời gian dài. Nhiều cặp vợ chồng cũng không thể quán xuyến việc gia đình do cả hai đều cách ly trong bệnh viện.
"Những chuyện phải sống trong bệnh viện nhiều ngày, không còn được chạy bộ thong thả hay đi mua sắm như xưa... đã trở nên quá bình thường. Hơn một năm qua chúng tôi gần như đã quên hết những điều ấy".
Các bác sĩ chỉ "giao tiếp" với thế giới bên ngoài qua video call và các cuộc gọi, tin nhắn. Họ thậm chí cũng hạn chế việc đó vì bất kể khi nào đã mặc đồ phòng hộ vào thì chỉ chuyên tâm cho công việc. Giờ giấc ăn ngủ nghỉ, sinh hoạt và làm việc đều theo quy định của bệnh viện.
"Lúc này là viện đang có nhiều cán bộ nhân viên y tế là F1 và phải thực hiện cách lý. Vì lực lượng mỏng, chúng tôi phải xin hỗ trợ từ cơ sở 1 ở Giải Phóng xuống giúp sức". Bệnh viện chia 2 vòng trong và ngoài để hạn chế thấp nhất những bác sĩ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Giờ giấc của các y bác sĩ được sắp xếp hợp lý để tránh tình trạng phải làm việc quá tải. Tất cả hướng tới việc bảo vệ vững chắc "thành trì cuối cùng" trong điều trị Covid-19.
"Có khoảng hơn 260 ca Covid-19 đang điều trị ở đây. Bệnh viện đã dừng tiếp nhận bệnh nhân mới và chỉ nhận người bệnh mắc Covid-19 từ các tỉnh khác chuyển về. Các bệnh nhân điều trị thông thường có xét nghiệm âm tính, chúng tôi sẽ chuyển đi viện khác để giảm nguy cơ quá tải. Việc này đang gặp chút khó khăn vì một số bệnh viện lo lắng việc tiếp nhận bệnh nhân bước ra từ tâm dịch dù họ đã âm tính. Tuy nhiên chuyện này sẽ sớm được giải quyết. Các viện tuyến dưới cũng đang rất chủ động đối phó với Covid-19 vì nếu dồn hết về đây thì lực lượng của chúng tôi cũng chỉ có hạn và không thể đáp ứng hết".
"Tình hình viện K không phức tạp như nhiều người nghĩ"
Từ tâm dịch, ThS.Bs Nguyễn Bá Tĩnh (Trưởng Phòng Công tác xã hội bệnh viện K) cho biết, các y bác sĩ đều giữ được tinh thần rất lạc quan, cả 3 cơ sở của viện này vẫn ổn về mọi mặt.
"Từ hôm 7/5 chúng tôi thực hiện cách ly từng tầng, từng khoa, từng phòng, bệnh viện cung cấp toàn bộ nhu yếu phẩm, thuốc men, vật dụng... Chúng tôi thấy rất ấm lòng vì liên tục nhận được rất nhiều đồ ăn thức uống và các món quà "viện trợ" từ các tổ chức từ thiện. Bạn bè, người thân cũng quan tâm nhắn tin động viên rất nhiều".
Giống như các bệnh viện khác, tại viện K cũng có rất nhiều cặp vợ chồng, bố con, mẹ con, anh chị em ruột cùng phải ở trong bệnh viện... "Dù cả hai vợ chồng ở viện thì cũng mỗi người một nơi, không thể gặp nhau. Anh chị em, vợ chồng hay người yêu đều chỉ liên lạc qua video call".
Ngay khi dịch bùng lên ở Ấn Độ và nhiều nước láng giềng, viện K đã lường trước tình huống sẽ phải phong tỏa toàn bệnh viện. "Biến chủng mới của Covid-19 ít gây ra triệu chứng ban đầu. Hơn nữa bệnh viện tuyến trung ương là nơi lượng người ra vào lớn, đến từ nhiều tỉnh thành. Ngay kể cả khi dịch bệnh lắng xuống, truyền thông ít đề cập hơn thì chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc 5K và khai báo y tế. Nhưng dù vậy thì ai cũng hiểu là tình huống phải phong tỏa như hiện nay rất dễ xảy ra, thậm chí khó tránh khỏi".
Đến giờ, toàn bộ 5.464 người (trong đó có 1070 nhân viên y tế) ở cả 3 cơ sở đều được lấy mẫu xét nghiệm. Cả 3 cơ sở chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính ngoại trừ 14 ca đã công bố.
Đối với hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị ngoại trú (70% bệnh nhân viện K điều trị ngoại trú), bệnh viện đã có hướng dẫn cụ thể để họ được hưởng bảo hiểm y tế và chăm sóc ở tuyến dưới. Các bác sĩ điều trị trực tiếp cũng như đường dây nóng của bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Những trường hợp nặng hoặc phải cấp cứu thì viện K vẫn tiếp nhận.
"Với những nỗ lực như hiện tại, chúng tôi rất tự tin sẽ vượt qua giai đoạn này, kết thúc thời gian phong tỏa mà không gặp khó khăn gì lớn", Bs Tĩnh nói thêm.
Theo Hường (Trí Thức Trẻ)