Khổ vì bị giả mạo
Gõ từ khóa Lại Văn Sâm trên google, kết quả tìm kiếm sẽ ra một loạt các thông tin về cựu nhà báo của VTV... Tìm kiếm trên facebook cũng cho ra cả vài trang mang tên Lại Văn Sâm. Khi nhà báo Lại Văn Sâm chưa lập facebook, những bài đăng từ facebook giả thu hút hàng trăm nghìn bình luận, chia sẻ, đa phần về những vấn đề bức xúc của cuộc sống, đặc biệt là những lời khuyên dạng “hạt giống tâm hồn”. Nhà báo Lại Văn Sâm nhiều lần phải lên báo đính chính nói rõ ông “không dùng bất cứ MXH nào”. Mới đây, chính con trai nhà báo Lại Văn Sâm phải lên facebook thông báo về việc ông Sâm phải lập facebook thật để tránh giả mạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, facebook chính thức của nhà báo Lại Văn Sâm đã được tích dấu xanh, khẳng định chính chủ, được hơn 40 nghìn lượt người theo dõi. Tìm kiếm trên facebook, vẫn còn nhiều tài khoản mang tên Lại Văn Sâm khác, trong đó có một trang thu hút gần 300 nghìn lượt theo dõi. Trong khi facebook chính chủ của nhà báo Lại Văn Sâm rất ít đăng tải các link bài viết thì facebook giả đăng rất nhiều tin, bài dạng câu view, giật gân, câu khách.
Không chỉ nhà báo Lại Văn Sâm bị mạo danh trên MXH, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc có chút có tên tuổi trên MXH, có nhiều người hâm mộ cũng bị tình trạng giả danh. Chia sẻ với PV Tiền Phong, người phụ trách truyền thông MXH của một danh hài cho biết, đó là tình trạng chung. Hỏi, tại sao không báo cáo về tài khoản giả, chị cho biết, phải đăng ký tài khoản “chính chủ” trước, sau đó dùng tài khoản đó xác minh, báo cáo tài khoản kia là giả mạo. Lấy ví dụ về trường hợp của nhà báo Lại Văn Sâm, chị này cho biết, nhiều khi, do yếu tố kinh doanh đằng sau, nên nhiều người sẵn sàng giả mạo người nổi tiếng trên mạng. Một trang có hàng trăm nghìn người theo dõi thì người quản lý trang đó có thể kiếm tiền thông qua dẫn link bài viết hoặc nhận quảng cáo. Đúc kết lại, chị nói, có những trang facebook giả tồn tại được là do bạn đọc dễ tính, người dùng facebook không đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là thật, đâu là giả, dễ tin vào thông tin mà không kiểm chứng người đưa lên là thật hay giả.
Hậu quả từ thông tin ảo
Mới đây nhất, trên MXH có thông tin hai vợ chồng trẻ bỏ công việc nhà nước về bán xôi vỉa hè kiếm trăm triệu đồng/tháng. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã ngay lập tức chia sẻ thông tin này. Sau đó, chính người trong cuộc phải lên tiếng đó là thông tin giả. Phóng viên nhiều tờ báo cũng vào cuộc xác minh, theo vợ chồng trẻ này, họ chỉ kiếm được vài triệu/tháng nhờ công việc bán xôi. Nhân vật chính của câu chuyện khá bức xúc khi tin đồn khiến cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn. Nhiều người hỏi vay tiền khiến tình cảm anh em, họ hàng bị rạn nứt, thậm chí, gây ra tâm lý cạnh tranh giữa những hộ bán xôi khác nữa...
Một người dùng mạng xã hội lâu năm chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, thời điểm hiện nay, MXH có nhiều thông tin, nhưng không biết thật giả thế nào. Đơn cử như các trường hợp đi bão sau các trận bóng của đội tuyển Việt Nam, xuất hiện các câu “Thằng nào vừa đi qua nhà tao hô Việt Nam vô địch cho tao xin lại lá cờ”, rồi câu này bị biến thành “xin lại con chó, xin lại điện thoại, xin lại người yêu”... Tương tự như thế, nhiều trường hợp tự dàn dựng nhắn tin với nhau bằng những câu chuyện hài hước, có những câu tục tĩu để câu like, comment và chia sẻ nhằm tạo tương tác. Đó là chưa kể các trường hợp bán hàng online chia sẻ những thông tin giả mạo, những câu chuyện không có thật nhằm tăng lượt theo dõi, tăng lượng tương tác...
Theo Hoàng Phong (Tiền Phong)