Trước tình trạng quá tải này, ngày 31.8.2018, Bộ GTVT một lần nữa điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay TSN với khả năng đáp ứng 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu tiến độ xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) chậm trễ, không hoàn thành trước năm 2025, thì áp lực vẫn đổ dồn về sân bay TSN và khi đó quy hoạch điều chỉnh mới này sẽ lại “vỡ trận”.
Vượt 44% công suất quy hoạch đến 2020
Trước sự gia tăng áp lực về nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không, từ 9.2015, Bộ GTVT đã có phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay TSN giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với nhiều hạng được triển khai nhằm đáp ứng 25 triệu lượt khách (HK)/năm. Thế nhưng chỉ 1 năm sau (năm 2016) thì lượng khách qua sân bay đã vượt khả năng quy hoạch đến năm 2020 (đạt 32 triệu lượt khách năm 2016). Sự quá tải tiếp tục được đẩy lên cao trong năm 2017 khi lượng khách đạt 36 triệu lượt- tức vượt quy hoạch đến 2020 (được phê duyệt năm 2015) đến 44%.
Có thể thấy từ năm 2016 đến nay, khi hành khách tăng cao đã kéo theo cơ sở hạ tầng của sân bay cũng bị quá tải, vượt công suất thiết kế. Chẳng hạn, cả hai nhà ga tại sân bay này thường quá tải, nhất là nhà ga quốc nội. Theo thiết kế, ga quốc nội đáp ứng 12,5 triệu khách/năm, song năm 2017 nhà ga này phải phục vụ 22,6 triệu lượt khách. Vào những giờ cao điểm, nhà ga quốc tế và quốc nội luôn chật cứng người. Tại các quầy làm thủ tục check in, hải quan, an ninh, khách phải xếp hàng dài chờ đợi, nhất là dịp lễ tết mất cả giờ đồng hồ là chuyện bình thường.
Không chỉ nhà ga, mà ngay cả sân đỗ máy bay, đường băng cũng quá tải trầm trọng. Hiện sân bay TSN có hai đường cất hạ cánh CHC 07L/25R dài 3.048m và CHC 07R/25L dài 3.800m, cách nhau 365m. Vào giờ cao điểm, máy bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước cất/hạ cánh liên tục, có thời điểm tiếp nhận đến hơn 800 chuyến/ngày. Do lượt khách vượt công suất thiết kế, máy bay thường phải chờ cất - hạ cánh, dẫn tới có lúc ùn ứ cả trên không lẫn dưới đường băng. Có lúc máy bay phải bay chờ trên không từ 15-30 phút mới hạ cánh. Tình trạng này dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, hiệu quả khai thác của các hãng hàng không thấp…
Mới đây, Bộ GTVT cũng cho hay vì khai thác vượt tần suất và vượt áp suất bánh hơi thiết kế, đường băng 07L/25R của sân bay TSN đã xuất hiện nhiều hư hỏng, rạn nứt, mặt đường bêtông nhựa bị biến dạng. Mặc dù xuống cấp, nhưng đường băng vẫn đang phải tiếp tục khai thác vượt tải. Do vậy cần thiết và cấp bách bảo trì, sửa chữa những hư hỏng đường băng này để đảm bảo an toàn bay.
Khi lượng khách đi lại tăng cao không chỉ khiến quá tải bên trong sân bay, mà ngay các trục đường ra vào sân bay (đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…) cũng thường kẹt cứng. Dù TPHCM phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiều giải pháp phân luồng, phân tuyến, xây thêm cầu vượt, mở thêm đường… song gần như vẫn quá tải. Đặc biệt vào những ngày mưa, giờ cao điểm hoặc lễ, tết, các trục đường ra vào sân bay kẹt cứng nhiều giờ đồng hồ, nhiều khách buộc lòng phải rời xe ôtô, xách vali chạy bộ cả cây số để kịp làm thủ tục bay.
Nguy cơ quy hoạch mới cũng sớm lạc hậu
Ngày 31.8.2018, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay TSN giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó sẽ nâng tổng công suất phục vụ của sân bay TSN đạt 50 triệu HK/năm (thay cho quy hoạch cũ là 25 triệu HK/năm).
Tuy nhiên, với quy hoạch lần này một số chuyên gia lo ngại sẽ sớm trở nên lạc hậu và khó giải quyết được bài toán quá tải sân bay TSN. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ Thuật Hàng Không, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM - cho rằng, nếu làm đúng tiến độ các hạng mục cải tạo, mở rộng sân bay TSN như quy hoạch điều chỉnh là 50 triệu HK/năm thì cũng không giải quyết được quá tải tại sân bay TSN. Bởi các dự báo gần đây cho thấy nhu cầu vận chuyển hành khách khá cao như năm 2018 dự báo sân bay TSN có thể cán mốc 40 triệu lượt khách/năm; năm 2021 nhu cầu có thể trên 53 triệu.
Còn theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, đến năm 2025, sân bay TSN đạt 77,6 triệu HK; nhóm nghiên cứu ĐH Bách Khoa dự báo 78,7 triệu HK… Cũng theo một số chuyên gia, việc triển khai xây dựng sân bay Quốc tế Long thành hiện vẫn chưa cho thấy tín hiệu sẽ hoàn thành trước năm 2025, nên áp lực hành khách tiếp tục đổ dồn về sân bay TSN là điều tất yếu.
Một số chuyên gia cũng phân tích, chỉ với 2 đường băng cất/hạ cánh tại sân bay TSN thì hiện vẫn thường xảy ra quá tải, có thời điểm máy bay phải xếp hàng chờ cất/hạ cánh. Trong khi đó, quy hoạch điều chỉnh mới đây nhất cho thấy không có đường băng mới nào được xây, song lại phải đáp ứng đến 50 triệu HK/năm (tức đạt 140% số lượng HK năm 2017), thậm chí lên đến 78 triệu HK/năm vào năm 2025 thì không biết lúc đó máy bay còn xếp hàng, tắc nghẽn cỡ nào?
Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất để “giải cứu” quá tải sân bay TSN theo các chuyên gia, phải cấp bách xây dựng sân bay Long Thành đưa vào khai thác càng sớm càng tốt, để chia lửa cho sân bay TSN.
Nguy cơ “đóng băng” sân bay TSN nếu chậm trễ xây sân bay Long Thành
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho biết: Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải song song với hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Nếu không có đường, ách tắc thì người dân cũng không vào sân bay được. Như vậy, việc nâng công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm cũng trở nên vô nghĩa. Giải pháp tốt nhất vẫn là phát triển sân bay Long Thành càng sớm càng tốt. Nếu làm chậm sân bay Long Thành, đến một lúc nào đó sân bay TSN nhu cầu vượt quá thì phải “đóng băng” hoạt động khai thác - tức không tiếp nhận thêm các chuyến bay, đường bay mới...
Xây thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm
Theo điều chỉnh quy hoạch sân bay TSN mới được Bộ GTVT phê duyệt, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý), trong đó phần diện tích sân bay hiện hữu 545,1ha. Để đạt công suất 50 triệu HK/năm, ngoài cải tạo, mở rộng hai nhà ga hiện hữu (T1 và T2) nâng công suất lên 30 triệu HK/năm thì sẽ xây thêm một nhà ga mới (T3) công suất 20 triệu HK/năm. Bên cạnh đó cũng bổ sung 3 đường lăn song song, 5 đường lăn thoát nhanh, bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga mới (T3) và sân đổ phía Nam đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng sân đổ lên 106 vị trí…
- Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự kiến đến Quý II/2019 đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành báo cáo khả thi sân bay Long Thành. Được biết đến nay, Tư vấn đã và đang triển khai việc dự báo sản lượng hàng không và đề xuất phân chia khai thác giữa CHKQT Long Thành và CHKQT Tân Sơn Nhất, điều chỉnh kích thước đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu tàu bay theo các quy định mới của ICAO, đồng thời thực hiện nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với CHKQT Long Thành, khảo sát địa hình và địa chất, thiết kế nhà ga hành khách, quy hoạch vùng trời và thiết kế phương bay.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, việc sớm Thành lập Hội đồng thẩm định là hết sức cần thiết để các Thành viên hội đồng có thể theo dõi, góp ý ngay từ những bước nghiên cứu của dự án, cũng như trong quá trình thẩm định.
Về dự án GPMB, hiện Quốc hội đã bố trí gần 23.000 tỉ cho công tác giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành song việc hoàn thiện và thẩm định báo cáo khả thi Dự án GPMB đã chậm so với yêu cầu. Theo kế hoạch, năm 2018 cần tiến hành giải phóng mặt bằng để năm 2019 thu hồi được một diện tích đất nhất định phục vụ quá trình triển khai dự án. Trước đó, tháng 11.2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư là 22.938 tỉ đồng, diện tích đất thu hồi 5.399ha.
- Liên quan tới việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 31.8.2018, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 1.10.2018, Bộ GTVT phối hợp với UBND TPHCM để công bố quy hoạch này. Dự kiến, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3, mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng hệ thống thoát nước (ngoài khu bay). Để đáp ứng tiến độ và đồng bộ trong quản lý khai thác, với nhà ga T3, Bộ GTVT đề xuất giao ACV chủ trì thực hiện đầu tư trong đó ưu tiên triển khai đầu tư ngay trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao và dự kiến triển khai từ quý IV năm 2018 đến Quý II/2022.
Đối với các dự án tại khu bay, sẽ xây dựng bổ sung hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, cải tạo đường CHC 25R/07L... và dự kiến triển khai trong 2 năm từ 2019 đến 2020.
Đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc như hangar, suất ăn, xăng dầu, ga hàng hóa và logistics, bộ đề xuất tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư còn với hệ thống giao thông đối ngoại, hệ thống thoát nước ngoài Cảng, hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh ở phía Bắc, phương án và nguồn vốn đầu tư dự kiến sẽ do UBND TPHCM sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đầu tư xây dựng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết hiện nay đang là giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không nhưng hằng ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình vẫn thực hiện 600 lần cất hạ cánh và đón khoảng 105.000 hành khách đến và đi. Còn trong những dịp cao điểm, sân bay phải thực hiện khoảng 800 lần cất hạ cánh/ngày. Ông Tiến thừa nhận có sự quá tải tại sân bay này nhưng sân bay đã và đang triển khai nhiều công trình trong và ngoài nhà ga để giảm tải cho sân bay. Dự kiện, dự án mở rộng nhà ga T2 sẽ đưa vào khai thác trong tháng 10.2018 và sẽ giúp bổ sung thêm 1 đảo với 20 quầy check in. Dự án mở rộng khu vực bãi đỗ tàu bổ sung cho sân bay thêm 28 chỗ đỗ, nâng tổng số chỗ đỗ máy bay lên 84 chỗ.
Theo Nhóm PV (Lao Động)