Bác sĩ tại Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Kim Xuyên (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, tay, chân.
Ngay lập tức, các bác sĩ tại phòng khám đã cấp cứu xử trí vết bỏng, giảm đau, chống sốc. Cả hai bệnh nhân bị bỏng nặng vùng mặt, 2 bàn tay, mặt ngoài đùi bên trái, cẳng chân 2 bên, bàn chân bên trái. Diện tích bỏng khoảng 10% đến 20%.
Bệnh nhân cho biết, sáng sớm nay 28/12, khi đang ngủ, điện thoại ở đầu giường phát nổ gây cháy chăn màn và cháy sang người.
Ngay sau khi được cấp cứu ổn định cả hai bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ tại đây cho biết, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu và Ngoại tổng hợp 2 điều trị, nhưng việc phục hồi cần rất nhiều thời gian.
Thời gian qua xảy ra rất nhiều tai nạn thương tâm do nổ điện thoại khi vừa sạc vừa sử dụng. Các vụ nổ điện thoại gây ra những chấn thương rất nghiêm trọng như bỏng, dập nát bàn tay, mù mắt.
Cụ thể, vào tháng 8/2023, một phụ nữ ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị dập nát bàn tay, vỡ nhãn cầu mắt phải, đa chấn thương vùng mặt do điện thoại bị nổ khi vừa sử dụng, vừa sạc pin. Trước đó, 6/2023, một bé trai 7 tuổi ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bị điện giật do sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin, khiến em này tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo khi sạc điện thoại không nên sử dụng và không nên sạc điện thoại qua đêm. Nơi sạc điện thoại cần cách xa người và vật liệu dễ cháy. Nếu phát hiện điện thoại quá nóng thì ngừng sạc và tắt nguồn để làm mát điện thoại, tránh nguy cơ cháy nổ.
Nên sử dụng cáp sạc và bộ sạc từ nhà sản xuất uy tín để tránh nguy cơ điện giật và hư hỏng. Khi tay ẩm ướt không tiếp xúc với điện thoại đang sạc pin để ngăn ngừa nguy cơ điện giật.
Hiền Lê (SHTT)