Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, lực lượng chức năng đã phát hiện một số quầy thuốc trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm của đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả vừa bị triệt phá.
Danh sách bao gồm quầy thuốc Bình Minh (chợ Nghè, huyện Hậu Lộc); quầy thuốc Thắng Hồng (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa); quầy thuốc Bảo An (đối diện Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa); quầy thuốc Thuận Hương (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh); quầy thuốc Đức Tín (ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa); quầy thuốc Thanh Hưng (phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn); quầy thuốc Bùi Huệ (xã Định Hưng, huyện Yên Định).
Bên cạnh đó, công an xác định thuốc giả còn được rao bán trên các tài khoản Facebook như: Nga Hoàng (xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa); Trần Thu (huyện Thiệu Hóa)...
Trong số 14 đối tượng bị khởi tố có 3 người ở Thanh Hóa có bằng trung cấp dược, chứng chỉ hành nghề dược là Dương Thị Oanh (sinh năm 1992), trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa); Phạm Thị Thảo (sinh năm 1988), trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa và Phạm Thị Thu (sinh năm 1993), trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.
Như VietNamNet đã đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác có nhóm người có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
Lực lượng chức năng thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm do Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (sinh năm 1985, trú tại quận Bình Tân, TPHCM) để sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt, đã bán ra thị trường số lượng lớn thuốc giả, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Xét nghiệm ghi nhận nhóm thuốc Đông y giả thu giữ được (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau. Nhóm thuốc Tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.
Theo Lê Dương (VietNamNet)