15,5 cho tất cả các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển là mức điểm sàn cao nhất kể từ khi Bộ GDĐT tiến hành kỳ thi “3 chung”.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Hà Nội. Ảnh: T.L |
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết thêm, nếu xét theo khối thi: Khối A có 272.130 thí sinh đạt từ sàn lên; khối A1 là 251.437; khối B là 254.008; khối C là 233.909 và khối D là 403.404 thí sinh trên sàn.Với mức điểm sàn “kỷ lục” này, nhiều thí sinh lo ngại cuộc đua vào các trường ĐH, CĐ năm nay sẽ khá khốc liệt. Bộ GDĐT cho biết, nếu không phân biệt khối thi, mỗi thí sinh trên điểm sàn được tính 1 lần duy nhất thì có 535.798 thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh là 332.496 sinh viên thì cứ 1,6 em lại có 1 thí sinh trượt ĐH.
“Điểm trung bình các khối thi sau khi có điểm ưu tiên không khác biệt nhau nhiều. Khối D có số lượng thí sinh đạt trên sàn cao vì đây là 3 môn bắt buộc, hầu như tất cả thí sinh đều dự thi. Dù số lượng thí sinh khối D đạt trên sàn cao nhưng tổng số nguyện vọng xét tuyển vào khối D chỉ khoảng 24%, trong khi đó khối A có tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển gần 35%” – ông Ga phân tích.
Ông Ga cũng cho biết, tuy hệ số dôi dư là 1,6 nhưng không phải tất cả đều đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp với điểm thi của mình, không phải có hệ số dôi dư thì các trường tuyển đủ chỉ tiêu vì sẽ có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, cũng sẽ có thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích nên không đăng ký xét tuyển.
“Ngoài ra, còn có hiện tượng nhiều trường/ngành có số lượng thí sinh đăng ký rất thấp so với chỉ tiêu; thí sinh có điểm cao ở các tỉnh dồn về thành phố lớn trong khi thí sinh điểm thấp thành phố lớn không di chuyển về các trường đại học địa phương. Do đó năm nào tổng nguồn tuyển cũng lớn so với chỉ tiêu nhưng các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu” – ông Ga nói.
Cũng theo tính toán của Bộ GDĐT dựa trên kết quả chạy phần mềm dự báo, với điểm sàn 15,5, trong đợt xét tuyển đầu tiên sẽ có 85 trường đạt chỉ tiêu 100%; 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80 đến 99%; Có 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40 đến 79%. Tất cả các trường trong cả nước tuyển được 83% tổng chỉ tiêu trong đợt 1.
“Dự báo này phù hợp với những năm trước, kể cả những năm tuyển sinh theo phương thức “3 chung” (tỷ lệ tuyển sinh đợt 1 nằm trong khoảng 75-85%). Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung” – ông Ga nói.
Lo ngại điểm chuẩn tăng cao
Điểm sàn tăng khiến không ít thí sinh lo lắng mức điểm chuẩn trúng tuyển các trường sẽ nâng lên nhiều so với các năm trước, cánh cửa vào ĐH sẽ “thu hẹp” hơn.
Em Nguyễn Văn Kiên, thí sinh tự do ở Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, năm trước em được 16 điểm khối A và không tham gia xét tuyển ĐH mặc dù nhiều trường lấy điểm chuẩn chỉ bằng sàn (15 điểm). Năm nay Kiên vẫn chỉ được 16 điểm nhưng vì điểm sàn tăng thêm 0,5 nên Kiên khá lo lắng. “Điểm sàn tăng thì điểm chuẩn các trường chắc chắn sẽ tăng. Trường nào lấy thấp nhất, tối thiểu cũng phải bằng điểm sàn. Như vậy cơ hội vào ĐH của em năm nay khó khăn hơn năm trước”.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, mức điểm sàn tăng cộng với phổ điểm các môn thi tương đối cao, nhiều trường top trên sẽ khó khăn để tuyển được thí sinh phù hợp, trong khi trường top dưới e rằng lại thiếu chỉ tiêu.
“Mưa điểm 10 đã khiến số lượng thí sinh đạt 29 – 30 điểm rất lớn, những thí sinh này sẽ đổ dồn về các trường khối Y – Dược, các trường top như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân... Tôi sợ rằng năm nay, thí sinh đạt 29 điểm vẫn có nguy cơ trượt ĐH Y. Ngược lại, mọi năm điểm sàn là 15, các trường top dưới, trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập đã kêu trời vì thiếu nguồn tuyển, năm nay tăng thêm 0,5 e rằng việc tuyển sinh nhóm trường này sẽ khó khăn hơn” – một chuyên gia nhận định.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Ga cho biết, khi phân tích ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Hội đồng xét tuyển có phân tích nhiều khía cạnh, trong đó có phân tích dựa trên tỷ lệ thí sinh đạt trên cả nước, từng vùng miền.
Ông Ga đưa ra nhận định: “Những trường top trên điểm chuẩn sẽ nhích lên. Tuy nhiên, phổ điểm thi mà Bộ phân tích dựa trên điểm thí sinh, khối thi không bị dốc, nên các trường không khó khăn nhiều trong tuyển sinh. Trong trường hợp có một vài trường, ngành có sức cạnh tranh lớn, thì tính toán đến việc sử dụng các tiêu chí phụ”.
Cũng theo ông Ga, điểm sàn xác định như vậy đã tính toán đến các trường top dưới. Có 100.000 thí sinh trên điểm sàn, điểm số dôi dư cho thấy có tới 39% thí sinh có thể đủ điểm vào các trường top dưới. Do đó, trường top dưới không lo thiếu nguồn tuyển. Ông Ga cũng cho rằng, với mức điểm này, dự kiến những trường top giữa không thay đổi điểm chuẩn.
“Thí sinh cần có kế hoạch phù hợp, đăng ký một vài trường cao hơn điểm dự kiến thì không cần thay đổi gì nhiều. Nếu điểm quá xa so với dự kiến thì thay đổi lại cho phù hợp. Thí sinh cần cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải điều chỉnh nguyện vọng hay không” – ông Ga nói.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay cả nước có 865.975 thí sinh dự thi. Số thí sinh đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH là 640.425. Tổng chỉ tiêu ĐH xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 332.496. Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển: Khối A: 883.768 (chiếm 34,59%); A1: 286.760 (chiếm 11.22%); B: 282.984 (chiếm 11.08%); C: 277.722 (chiếm 10.87%); D1: 608.632 (chiếm 23,82%). |
Theo Tùng Anh (Dân Việt)