Y bác sĩ không nghỉ phép, ngày đêm điều trị cho bệnh nhi
Những ngày qua, tình hình bệnh dịch tay chân miệng có chiều hướng tăng và diễn biến khó lường khiến Khoa Nhiễm - Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) trở nên quá tải, ít nhất 2 trẻ nằm một giường.
Do lượng bệnh nhân tăng lên vì dịch bệnh, BV đã cải tạo nhà ăn thành một phòng bệnh, kê thêm 50 giường để giảm tải cũng như cách ly bệnh sởi và tay chân miệng. Tại đây cũng là nơi để các bé mới phát bệnh nằm theo dõi, chờ điều trị.
Mỗi bé đều có từ 3-4 người thân túc trực, thay phiên chăm sóc, hàng lang bệnh viện trở thành nơi ngả lưng của những gia đình nhỏ.
21h đêm, Khoa Nhiễm - Thần Kinh trở nên ngột ngạt hơn với tiếng trẻ quấy khóc bởi cơn sốt hành hạ, những ông bố bà mẹ dùng tay quạt xèn xẹt, tiếng hát ru dỗ dành con... Trong khi đó, bên trong phòng cấp cứu, đội ngũ bác sĩ và y tá gồm vỏn vẹn 8 người vẫn đang gồng mình, nỗ lực ngày đêm để chăm sóc và điều trị cho hơn 230 bệnh nhi tay chân miệng.
Trong số hàng trăm bệnh nhi thì có khoảng 30 bé đang phải thở bằng máy trong phòng cấp cứu. Những đứa trẻ được được y bác sĩ cột chân tay cố định vào thành giường để bệnh các bé nằm yên, tránh co giật.
Được biết, để kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhi, y bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần Kinh không nghỉ phép trong thời gian này. Bên cạnh đó, BV Nhi Đồng 1 cũng huy động sinh viên y khoa trực sớm hơn và về trễ hơn để phụ giúp bác sĩ chiến đấu với dịnh tay chân miệng đang lây lan nhanh.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào khoảng tháng 7, tháng 8 /2018 tại khoa chỉ có 20 - 30 bé bị bệnh sởi và tay chân miệng, nhưng giữa và cuối tháng 9 số bệnh nhi tăng đột biến. Thời gian này, mỗi ngày khoa Nhiễm - Thần Kinh tiếp nhận 70 - 80 trẻ nhập viện vì tay chân miệng, có ngày tới 90 trẻ nhập viện.
Các bác sĩ cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Vì vậy, cần phải chủ động các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, khoảng 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện điều trị kịp thời.
Việt kiều Campuchia ôm con về Việt Nam điều trị tay chân miệng
Chị An Nhi (21 tuổi, Việt kiều Campuchia) đang hết sức lo lắng về tình trạng bệnh tay chân miệng của con trai 1 tuổi. Hiện tại con chị đang sốt, bắt đầu có dấu hiệu nổi mụn nước ở tay, chân và miệng nên phải bôi thuốc tím.
Nhìn con trai với chi chít mụn nước, chị An Nhi thở dài chia sẻ: "Gia đình tôi sinh sống ở Campuchia đã lâu và mới đây có dẫn bé về quê nhà An Giang chơi. Sau đó trở về thành phố Phnôm Pênh thì bé phát sốt nên tức tốc trở đưa con lên BV này để điều trị. Có thể khi về quê chơi bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng tại đây vì nơi chị đang sống không có trẻ nào bị bệnh này".
Theo chị Nhi, do tin tưởng về chuyên môn và tận tâm của BV Nhi Đồng 1 nên chị và chồng đưa con về đây điều trị được 2 ngày nay. Bác sĩ cho biết, con chị cần điều trị uống thuốc trong 3 ngày sau đó sẽ tiến hành xét nghiệm rồi có phương án điều trị tiếp theo.
Cùng phòng với con chị Nhi cũng có rất nhiều em bé khác đã có dấu hiệu nổi mụn nước và gương mặt thẫn thờ vì sốt. Con mệt bao nhiêu thì bố mẹ càng mất ăn mất ngủ bấy nhiêu vì gần như nhiều đêm mất ngủ.
Trong khi đó, đang nằm trên chiếc võng tạm bên hành lang ngoài phòng điều trị, anh Khoa (quê Tây Ninh) cho biết rất lo lắng về tình hình dịch bệnh xảy ra với các bé. Mới đây con anh cũng đột nhiên có dấu hiệu sốt nên anh và vợ vội đưa con xuống BV Nhi Đồng 1 để theo dõi.
Mặc dù BV đang rất đông đúc, 2-3 bé nằm một giường nhưng mỗi khi con có dấu hiệu bất thường, sốt hay quấy khóc thì các phụ huynh lại cho nhập viện, chấp nhận nằm hành lang chờ theo dõi điều trị.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và cả ở mông.
Bệnh tay chân miệng do nhiễm virus coxsackievirus A16 là bệnh ở thể nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân đều hồi phục sau từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế và ít có biến chứng.
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do virus EV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.
Thời kỳ ủ bệnh thường thấy (từ khi nhiễm bệnh cho đến khi bắt đầu có triệu chứng) là 3-7 ngày. Sốt, kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, là triệu chứng đầu tiên thường gặp của bệnh tay chân miệng.
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.
Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát xuất hiện trong miệng. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
TS.BS NGUYỄN VĂN LÂM – TRƯỞNG KHOA TRUYỀN NHIỄM
(Theo báo Lao Động)
Theo Tứ Quý (Trí Thức Trẻ)