Rõ ràng, những biện pháp cấp bách phòng chống bệnh phải được triển khai quyết liệt hơn nữa, nếu không muốn ảnh hưởng đến đàn lợn 26 triệu con của cả nước.
Dịch có chiều hướng lây lan mạnh
Những ổ DTLCP đã xuất hiện ở 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên từ đầu tháng 2.2019. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 27.2.2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (tổng trọng lượng tiêu hủy 172.505kg), hàng chục tỷ đồng của nông dân đã trôi ra sông ra biển chỉ sau một đêm.
Điều đáng lo ngại là, theo diễn biến thì tốc độ lây lan của DTLCP là rất nhanh và khó kiểm soát. Ví như tại Hưng Yên, chỉ từ 2 ổ dịch ban đầu ở TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ được phát hiện từ ngày 1.2, đến ngày 27.2, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 35 hộ, 9 thôn của 7 xã ở TP.Hưng Yên, các huyện Yên Mỹ, Ân Thi và Kim Động. Đã có 1.628 con lợn dương tính với bệnh được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Cũng như vậy, tại Thái Bình, ban đầu dịch chỉ xảy ra ở một vài hộ của xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) nhưng sau đó đã lan ra nhiều địa phương khác. Đến nay, đã có 9 thôn của 5 xã (Đông Đô, Tây Đô thuộc huyện Hưng Hà; Lô Giang thuộc huyện Đông Hưng; Đông Hải và An Dục thuộc huyện Quỳnh Phụ) xuất hiện DTLCP; 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy.
Sau đó, dịch tiếp tục được phát hiện ở TP.Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam. Tại TP.Hải Phòng, từ ngày 18-27.2, bệnh DTLCP xảy ra tại 20 hộ, 12 thôn, 5 xã (gồm Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiểm và Liên Khê của huyện Thủy Nguyên; xã Nam Hưng của huyện Tiên Lãng), buộc phải tiêu hủy 231 con lợn. Tại Thanh Hóa, dịch mới được phát hiện tại hộ dân ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, với 226 con lợn dương tính với bệnh.
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch; chỉ đạo công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, một trong những nguyên nhân khiến DTLCP lây lan mạnh là do chúng ta vẫn chưa kiểm soát được triệt để tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trong khi đó, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam.
“Nghiên cứu của các chuyên gia thú y Ba Lan cho thấy, có đến 74% trường hợp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này do chưa kiểm soát chặt chẽ, thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn và do sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Trong khi đó, điều này cũng khá phổ biến ở nước ta bởi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; người dân vẫn sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi” – ông Tiến nêu một thực tế.
Tính đến việc tăng hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh
Nhận định về tình hình phòng chống DTLCP thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc theo các kịch bản Bộ NNPTNT đã đưa ra. Tuy nhiên, do con đường lây lan bệnh khá phức tạp, vì vậy, các địa phương phải tập trung các nguồn lực tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...).
Đặc biệt, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn cấp tỉnh có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y. Cùng với đó, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh...
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những nguyên nhân khiến bệnh lây lan mạnh là do người dân cho rằng mức hỗ trợ tiêu hủy hiện nay chưa phù hợp với thị trường (38.000 đồng/kg), lại phải qua nhiều khâu thẩm định phức tạp nên đã có hiện tượng bán tháo lợn để thu tiền ngay. “Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lây lan khủng khiếp, khó kiểm soát, vì vậy tôi đề nghị đưa vào nghị quyết của Chính phủ xem xét hỗ trợ theo giá thị trường” – ông Tiến nói.
Sự nguy hiểm của bệnh DTLCP còn thể hiện ở chỗ, lợn ở mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh và tỷ lệ chết gần như 100%. Đơn cử như tại TP.Hà Nội hay tỉnh Hà Nam, bệnh DTLCP được phát hiện ở lợn rừng nuôi - loại được đánh giá có sức đề kháng tốt nhờ bản tính hoang dã.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình cũng cho rằng, mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh hiện nay chưa phù hợp.
“Tỉnh đang cân nhắc nâng mức hỗ trợ để người dân bớt khó khăn và có thể chấp nhận được bởi giá thị trường hiện đã trên 50.000 đồng/kg” – một đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên nói.
Theo Anh Thơ (Dân Việt)