Tính đến ngày 5/5, nước ta vẫn ghi nhận 271 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. 03 ca mắc gần đây nhất đều là hai ca bệnh xâm nhập, người từ nước ngoài về được cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay nước ta cũng đã chữa khỏi cho 221 trường hợp mắc COVID-19. Các bệnh nhân nặng đang được nỗ lực cứu chữa. Có thể nói Việt Nam hiện kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh song dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
COVID-19, cúm và SARS khác nhau như nào?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, COVID-19 lây theo đường hô hấp, cũng giống SARS. Tuy nhiên, bệnh nhân SARS phần lớn là ca bệnh nặng, phải vào bệnh viện. Chúng ta quản lý được, điều trị, cách ly hết các trường hợp bệnh. SARS không lây lan nhiều như cúm hay như COVID-19. Vì thế, bệnh chỉ chỉ tồn tại trong một số nước, khi chúng ta quản lý được thì dịch cũng hết, chỉ kéo dài vài tháng.
Ngược lại, dịch COVID-19 có rất nhiều ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm và nó có thể tồn tại trong cộng đồng và lây lan. Vì tính chất như vậy nên dịch có sự lây lan kéo dài. COVID-19 có điểm khác biệt so với cúm. Phần lớn các ca mắc cúm là ca bệnh nhẹ, số tử vong ít. Cúm tồn tại trong cộng đồng, gây số mắc cao và tiến tới có sự mắc trong cộng đồng, theo đó con người có miễn dịch. Ca bệnh cúm có thể tăng giảm hàng năm nhưng không gây sụp đổ cho hệ thống y tế trong điều trị. COVID-19 lại có những ca bệnh nhẹ, khả năng lây khó kiểm soát. Chính vì khó kiểm soát đó mà nó có tác động lâu dài.
“Để hình thành miễn dịch cộng đồng, để bệnh duy trì ở mức chấp nhận được cho cộng đồng là rất khó. Chúng ta có thể chấp nhận ca bệnh cúm trong cộng đồng để miễn dịch của con người tăng lên, vì số mắc có thể cao nhưng tử vong không lớn. Với virus SARS-CoV-2 thì không để như thế được”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến lúc nào?
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho biết dịch COVID-19 có thể kéo dài, chưa có văcxin thì cũng không biết được dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. Hiện nay chưa có nước nào, chuyên gia nào dám khẳng định COVID-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS. Trong lúc này chúng ta có sự hiểu biết nhất định về SARS-Cov-2 và phương pháp phòng chống dịch của Việt Nam vẫn là làm sao ngăn chặn, làm sao phát hiện, cách ly khoanh vùng và dập dịch.
“Chúng ta lao động, sinh sống, học tập, làm kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo tốt được công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe của người dân, đặc biệt không để số mắc cao. Số mắc cao chắc chắn sẽ gây tử vong lớn. Vì thế, việc phát hiện ca bệnh đầu tiên, cách ly, khoanh vùng và dập dịch cho tốt là việc hết sức quan trọng. Đấy là trách nhiệm của mỗi địa phương trong cả nước...”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguy cơ xâm nhập dịch theo con đường nhập cảnh vẫn còn có thể. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể đảm bảo 100% không còn ca bệnh trong cộng đồng dù đã thực hiện giãn cách xã hội.
Với một ổ dịch khi phát hiện trường hợp dương tính chúng ta tiến hành phong tỏa. Toàn bộ các trường hợp dương tính, những trường hợp tiếp xúc gần gọi là F1 được đưa đi cách ly. Với những người dân còn lại chúng ta áp dụng tất cả các biện pháp để làm sao nếu còn có những người đang mang mầm bệnh thì không tiếp xúc với những người lành, cơ hội tiếp xúc ít. Cơ hội người lành tiếp xúc với người bệnh cũng ít.
Sau 28 ngày phong tỏa thì các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng được đưa đi đến bệnh viện. Giả sử còn trường hợp nào dương tính mà không có triệu chứng thì 28 ngày cũng tự khỏi, không còn khả năng lây bệnh.
Nhưng trong cộng đồng, dù làm giãn cách xã hội, bất kỳ nước nào cũng thế không thể ngăn chặn 100% một ca có khả năng lây nhiễm tiếp xúc với người chưa mắc bệnh.
“Chúng ta không biết trong cộng đồng ai còn mang mầm bệnh. Có thể còn mầm bệnh thì còn lây lan. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn có thể xảy ra”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Do đó, người dân cần thực hiện nguyên tắc "5 an toàn" mà Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã khuyến cáo: Đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mạn tính, người già; Vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt, bệnh tiêu hóa khi vào mùa hè; Tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
"Tôi cũng muốn nhấn mạnh việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Việt Nam làm tốt đeo khẩu trang từ sớm nên dịch không lây lan. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người dân đã chủ quan, đi uống bia, cà phê và không thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn.
Người dân cứ thấy không công bố thêm ca bệnh mới thì coi như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Đây là điều phải cảnh giác. Chính quyền phải tăng cường kiểm tra để người dân phải tuân thủ các quy định đã được khuyến cáo"- PGS Phu khuyến cáo.
Theo Thái Bình (Sức Khỏe & Đời Sống)