Đến nơi cùng cốc
Đã gần chục năm gắn bó với ngôi nhà An ninh Thủ đô, với tôi, ký ức trong một lần đến một xã vùng cao, vùng sâu của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đột nhập “thung lũng chết” hay còn được nhiều người gọi tên “miền độc dược”, kèm theo bao lời đồn thổi, với hoài nghi về những cái chết kỳ lạ vẫn còn ám ảnh mãi trong tôi.
Cách đây mới chỉ 5 năm (năm 2011), khi tôi được Trung tá Nguyễn Tiến Chính, khi đó là Trưởng ban Bạn đọc và nay là Trưởng ban Nội chính giao nhiệm vụ tìm hiểu về “miền độc dược” xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Mong muốn được đến tận nơi để được nghe, được thấy sự thật, càng khiến tôi quyết tâm dấn thân nơi cùng cốc.
Thời gian đó, những cái chết “bất đắc kỳ tử”, không rõ nguyên nhân xảy ra ở xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) - vùng đất được ví như “miền độc dược” đã khiến nhiều người lo lắng, nghi ngờ việc người xấu số “dính” phải độc dược do bị trả thù. Những nạn nhân khi chết, “lục phủ ngũ tạng” bị phá hủy, thối rữa mà không có lời giải khiến cho nơi thâm sơn cùng cốc này càng thêm phần rùng rợn…
Khi đó, tôi cùng một đồng nghiệp ở một tờ báo khác cùng đi chuyến công tác đó. Trải qua gần 200km, khi chuẩn bị bước vào chặng đường khoảng 20km từ Quốc lộ 4 vào xã Đồng Thắng, dừng chân quán tạp hóa ven đường, trong khi hỏi đường, bà chủ quán tạp hóa dặn: “Các anh vào đó cẩn thận đấy nhé! Nhớ tuyệt đối không được ăn, uống gì đâu và cũng đừng để người ta tiếp xúc vào người. Chẳng may làm phật ý họ là mất mạng như chơi”.
Nghe xong câu chuyện, anh bạn đồng nghiệp và cả tôi không khỏi hoang mang. Dù đường sá có khó khăn và hiểm nguy đến mấy, việc để có thông tin sự thật về “miền độc dược” này đã không làm tôi chùn bước khi một mình dấn thân vào nơi này, còn anh đồng nghiệp xin thôi với lý do ở lại trông xe…
Hành trình đi tìm lời giải
Hành trình đi tìm lời giải về “miền độc dược” cách điểm xuất phát chừng 1km đầu tiên, tuy đường nhỏ hẹp, quanh co nhưng cũng không đến nỗi khó khăn như những gì tôi được nghe. Thế nhưng, đi thêm khoảng 300m nữa thì con dốc đầu tiên tôi phải vượt qua đã xuất hiện.
Đây là dốc Khe Bó (thuộc xã Cường Lợi) có độ dài chừng hơn 300m. Nhìn dốc dựng đứng cộng thêm lời cảnh báo của người “xe ôm”: “Nhiều người đã phải bỏ mạng ở đây rồi đấy! Vì thế mà Đồng Thắng được xem là “thung lũng chết” chẳng ai muốn vào đó, trừ khi có việc chẳng thể đừng!” - anh lái “xe ôm” nói.
Sau gần 2 giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối luồn qua những khe lởm chởm đá, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại trung tâm xã Đồng Thắng. Vào giờ nghỉ nên vắng người. Thay vào đó là tiếng chim rừng cộng với tiếng chó sủa, gà gáy đập vào những vách núi vẳng lại làm cho nơi đây càng thêm u tịch.
Lời đồn về “thung lũng chết” xuất phát từ chính những người dân sống ở các xã trong huyện Đình Lập này. Mỗi khi nhắc đến Đồng Thắng, họ đều tỏ ra ái ngại khi nói về những cái chết bí hiểm xảy ra ở nơi đây. Đó là chuyện một số cán bộ về Đồng Thắng nằm vùng cũng như những người dân xã khác đến đây ăn cỗ, buôn bán… do không “giữ mồm” nên đã gây hiềm khích.
Chỉ một thời gian sau, những người này đều bị bỏ độc rồi về ốm đau, chết. Những biểu hiện của người bị bỏ bùa, “dính” độc như: nhẹ thì ngứa trong cổ họng, liệt người hay phát rồ phát dại, nặng thì về nhà được vài ngày thấy đau bụng rồi nội tạng bị thối rữa không thuốc nào chữa trị nổi đành nằm chờ… chết!
Chờ mãi, rồi tôi cũng đã gặp được ông Giáp Văn Hiền, khi đó là Trưởng Công an xã Đồng Thắng. Xoay quanh câu chuyện thực hư này, ông Hiền không hề giấu giếm cho biết, một số người sau khi về xã Đồng Thắng công tác, làm ăn rồi mắc bệnh chết mà không rõ nguyên nhân đã xuất hiện nhiều lời đồn đại họ bị bỏ độc. Xã Đồng Thắng chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ.
Thế nhưng, số đồng bào dân tộc trong xã biết chế tác thuốc độc hay yểm bùa rất ít. Trước kia thì có chứ bây giờ làm gì còn. Mà làm cái này nó thất đức, con cháu họ phải chịu nên không ai dám làm cả. Tại thời điểm đó, câu chuyện về cái chết của một cán bộ kiểm lâm tên Nông Quốc Huệ (thuộc Hạt Kiểm lâm Đình Lập) khiến cho nhiều người vẫn không khỏi rùng mình.
Chuyện là, trước đó ông Huệ được cử về công tác tại xã Đồng Thắng. Vì nhiều lần ngăn chặn một số người dân địa phương khai thác gỗ trái phép nên đã bị họ tìm cách bỏ thuốc độc vào thức ăn, nước uống để trả thù. Được một thời gian, anh Huệ thấy người mỏi mệt và đau bụng, đến khi đưa đi bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện ruột bị thối từng đoạn, không thuốc nào chữa được”.
Cũng như anh Huệ, một trường hợp khác bị nghi bỏ thuốc độc rồi ốm và chết bất đắc kỳ tử là trường hợp của ông Vi Xuân Tác, một cán bộ huyện xuống “nằm vùng” tại xã Đồng Thắng. Được một thời gian, ông Tác không hiểu mắc bệnh gì, người cứ gầy yếu, cứu chữa mãi không khỏi rồi chết.
Nhiều người nghi ông bị trúng chất độc được chế tác từ những cây cỏ, côn trùng, chất độc của động vật, bò sát... được gọi là “phối tam kịch độc”. “Thế nhưng, chuyện ông Tác, ông Huệ hay những giáo viên trẻ về dạy học ở xã, sau đó cũng bị nghi bỏ bùa rồi chết một cách bí hiểm chỉ là lời đồn.
Đánh cược mạng sống với “thần y”
Ông Hiền kể, ở trong xã này có một người mà nhiều người dân luôn gọi là ân nhân, đó chính là ông lang tên là Chu Văn Làu (thôn Nà Xong, xã Đồng Thắng), được mệnh danh là “thần y” giải độc nức tiếng một thời nơi bản làng heo hút này.
Lần theo địa chỉ trên, tôi tìm đến được nhà ông Làu. Sau khi giới thiệu, ông Làu đã xách can rượu bên trong toàn thứ dễ cây và một số động vật với màu nước đỏ quạch khiến tôi không khỏi bất ngờ.
Ông Làu rót ra hai chén rồi đưa tôi một chén. Dù không muốn nhưng tôi cũng phải đánh liều, nhắm mắt một hơi hết luôn chén rượu. Thấy vậy, ông Làu phá lên cười và nói, yên tâm đi. Nếu có ai bỏ độc đã có rượu này rồi, đây là thuốc giải các loại kịch độc đấy!
Trước khi tôi đến đây đã có một đồng nghiệp từng khai thác đề tài này. Nhưng có đi mới biết, những tư liệu mà đồng nghiệp sử dụng đều phản ánh lại lời đồn thổi mà anh không hề đến đó. Với tôi, mỗi thông tin cần có một sự kiểm chứng, dù nhiều khi đánh đổi cả mạng sống.
Gần đây, khi gặp lại anh bạn đồng nghiệp trên, một lời giải mà anh đưa ra nghe có vẻ khả quan hơn cả là chuyện một số người dân ở trên đó uống rượu quá nhiều. Đã thế, họ bây giờ toàn dùng “men Tàu” nấu rượu chứ không sử dụng cách nấu rượu truyền thống trước kia. Có người uống rượu suốt ngày, nếu không ăn uống gì chỉ uống rượu thì đến lúc ốm, bệnh, “lục phủ ngũ tạng” bị phá hủy là chuyện đương nhiên.
Theo Quang Trường (An Ninh Thủ Đô)