Bí kíp đầu tiên, cũng là cuốn được nhiều cao thủ săn lùng nhất là bí kíp võ công của võ phái Côn Luân do đại sư chưởng môn Đoàn Tâm Ảnh biên soạn bằng cách viết tay.
Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.
|
Võ sư Băng Sơn biểu diễn quyền thuật (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Điều bất ngờ là bí kíp võ công, phần viết tay do Thiện Tâm thiền sư (pháp danh của đại sư Đoàn Tâm Ảnh) lại hiện đang được một võ sư ở Hà Nội cất giữ. Người may mắn ấy là võ sư Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ Lâm Phật gia.
Cao thủ hành hiệp như… phim chưởng
Căn nhà cấp 4 liêu xiêu bên bờ hồ Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) là nơi tá túc của võ sư Băng Sơn, một võ sư nổi tiếng ở Hà Nội.
Võ sư Băng Sơn tên thật là Bùi Quốc Sơn, sinh năm 1958. Võ sư Băng Sơn vốn đệ tử chân truyền của Chưởng môn đời thứ 44, môn phái Thiếu lâm Phật gia, đại sư người Trung Quốc, Lý Chấn Hòa.
Cuộc đời võ nghiệp của mình, vó sư Băng Sơn đã may mắn được bái nhiều cao thủ nổi tiếng của làng võ Việt làm thầy.
Và, ngoài người đầu tiên, đại sư Lý Chấn Hòa thì ông còn có hai sư phụ là Thanh Hư Chân Nhân Đoàn Tâm Ảnh, Chưởng môn phái Võ Lâm Côn Luân và Huyền Không Đạo Trần Công, Chưởng môn phái Không Động, người được tôn sùng là “vương kiếm”, “vua ám khí”.
Trong số những danh sư trên thì đại sư Đoàn Tâm Ảnh nức tiếng hơn cả. Bôn tẩu giang hồ, đại sư đã thu nạp nhiều đệ tử. Tuy nhiên, “đệ tử ruột” thì chỉ có 12 người, làng võ vẫn gọi họ là nhóm Thập nhị đại đồ đệ.
Võ sư Băng Sơn là người cuối cùng trong nhóm đệ tử trứ danh đó.
Nhiều lần trò chuyện, võ sư Băng Sơn bảo, ông là người may mắn. Tuy là “người đến sau” nhưng đại sư đã dành cho ông cả tấm chân tình.
Và, cũng chính nhờ tình cảm không gì bì sánh ấy mà võ sư Băng Sơn đã được người thầy đáng kính của mình truyền lại cuốn bí kíp võ công mà bất cứ kẻ luyện võ nào cũng ước ao mong sở hữu ấy.
Võ sư Băng Sơn bảo, cứ “soi” vào nghiệp võ và cả cuộc đời bôn tẩu giang hồ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh thì sẽ thấy được giá trị của cuốn bí kíp này.
|
Võ sư băng Sơn và đại sư Đoàn Tâm Ảnh (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ngay từ nhỏ ông đã sống đời phiêu bạt. Theo đó, năm 12 tuổi, ông được cha mình gửi sang Trung Quốc trú tại chùa Phi Lai Tự, núi Sơn Đầu, tỉnh Mã Dương Cương.
Người được “giao nhiệm vụ” rèn cặp cậu bé Tâm Ảnh khi đó ở Trung Quốc hiếm người nào lại không biết tới.
Cao nhân nổi tiếng ấy chính là Mộc Đức Thiền Sư, cố vấn cao cấp của tổng thống Tôn Trung Sơn.
Sau gần chục năm luyện tập võ nghệ, tuổi 20, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã được Mộc Đức Thiền Sư cùng đại sư Bắc Phong hoà thượng, Chưởng môn phái Thiếu lâm Bắc phái đứng ra tác hợp để cậu học trò yêu yên bề gia thất.
Người mà Tâm Ảnh kết tóc se duyên cũng là một cao thủ võ lâm, cô nương Hoa Cẩm Tú, môn đồ cưng của Bắc Phong hoà thượng.
Sau khi nên vợ thành chồng, đôi uyên ương đã xin phép hai vị sư phụ xuống núi để dựng nghiệp. Và, cũng từ đó, đại sư Đoàn Tâm Ảnh bắt đầu cuộc đời phiêu bạt giang hồ với biệt hiệu là Ta Lô.
Giai thoại trong làng võ Việt kể lại thì ngày đó, ở Trung Hoa, người luyện võ đều biết tới danh tiếng vợ chồng đại sư Đoàn Tâm Ảnh. Bôn tẩu giang hồ, họ hành hiệp trượng nghĩa hệt như những võ hiệp thời xưa.
Hễ đâu có áp bức thì ở đó có sự xuất hiện của cặp vợ chồng Tâm Ảnh. Giang hồ đồn thổi rằng bất cứ ma đầu đại ác nào cũng đều phải thúc thủ, thậm chí mất mạng khi đối diện với cặp vợ chồng “thấy chuyện bất bằng chẳng tha” này.
Thích khách bóng đêm khiến quan tham sợ hãi
Chiến tranh Hoa- Nhật bùng nổ, vợ chồng ly tán mỗi người một phương. Sau nhiều ngày tìm kiếm nhưng vô vọng, Đoàn Tâm Ảnh đành phải quay trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, về Việt Nam được ít ngày, nhưng máu phiêu bạt, ông lại khăn gói sang Lào, rồi qua Campuchia.
Lại thêm hơn chục năm bôn tẩu xứ người, hấp thụ thêm nhiều tinh hoa võ thuật thì năm 1944, ông mới về nước và trú tại Bạc Liêu.
Khi về nước, ông nương nhờ cửa phật, sống ẩn dật ở các chùa chiền với pháp danh Thiện Tâm.
|
Nơi yên nghỉ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh ở Hậu Giang (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Theo võ sư Băng Sơn thì ngay khi đại sư Đoàn Tâm Ảnh còn sống (ông mất năm 2008) thì huyền thoại này vẫn được nhiều người xác nhận.
Theo đó, giống như những hiệp khách trong phim kiếm hiệp, cứ khi mọi người yên giấc, bỏ áo thầy tu, khoác lên người bộ y phục kín mít, đại sư băng mình vào màn đêm tĩnh lặng. Và, lần nào đi thì lần chí ít cũng một tên ác ôn phải đền tội ác.
Xuất quỷ nhập thần nhưng đại hiệp này vẫn luôn để lại ám hiệu của riêng mình bất chấp sự truy lùng ngày một gắt gao của chính quyền. Ám hiệu đó chính là chữ ký của ông, chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh.
Sự tung hoành của “thích khách áo đen” khiến chính quyền thực dân Pháp và bè lũ tay sai đau đầu hoảng sợ.
Thời gian ấy, khắp 6 tỉnh miền tây, cường hào ác bá hễ nhác thấy chữ ký hình ngôi sao, hay nghe chuyện “thích khách bóng đêm” là tim đập chân run, mặt cắt không còn máu.
Nhiều quan tham đã phải tăng cường thêm lính gác, chó săn, thậm chí cả những thiết bị phòng vệ hiện đại.
Tuy nhiên, sự canh chừng đó cũng chẳng ích gì. Kẻ nào một khi đã lọt vào “sổ đen” của hiệp sĩ thì kẻ đó phải đền tội ác.
Những giai thoại khó tin về cao thủ đệ nhất võ Việt
Nói về bản lĩnh siêu phàm của sư phụ mình, võ sư Băng Sơn kể, ngày trước, tìm hiểu về đại sư, ông đã được nghe nhiều chuyện mà tưởng như không bao giờ có thật.
Theo đó, nhiều người đã kể với ông rằng, năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đại sư đã được Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Tư lệnh không quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa mời tham gia đảo chính.
Đương nhiên, với khả năng võ thuật phi phàm của mình, đại sư sẽ sắm vai thích khách. Tuy nhiên, không muốn dính líu đến chuyện chính trường, ông đã thẳng thắn khước từ.
Lần khác, năm 1979, khi giặc Pôn- Pốt hoành hành ở biên giới Tây Nam, dù tuổi đã cao nhưng đại sư nhiều lần bộc lộ ý định sang xứ Chùa Tháp để… lấy đầu kẻ diệt chủng khét tiếng này.
Võ sư Băng Sơn kể, những chuyện trên không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng cũng đủ để khẳng định rằng, luận về võ công, đại sư Đoàn Tâm Ảnh là một nhân vật kỳ tài, hiếm có.
|
Đại sư Đoàn Tâm Ảnh là bậc kỳ tài võ học hiếm có. (Ảnh Internet) |
Trong số ấy có chuyện người con gái này một mình mặc áo cộc tay, quần sà lỏn hạ gục cả chục lính gác rồi vào tận dinh của một quan chức cấp cao chính quyền Việt Nam Cộng hòa để đòi quyền lợi cho chồng.
Chồng bà này là sĩ quan không lực, ra chiến trường và đã tử trận. Không biết do cố tình hay bởi nhập nhèm ở đâu đó mà chính quyền không giải quyền chế độ cho gia đình bà.
Khiếu kiện nhiều nơi không thành, phẫn chí, người đàn bà này đã một mình tả xung hữu đột xông tận vào tận nơi để đòi quyền lợi.
Cả chục lính gác lực lưỡng và cả những cận vệ võ thuật cao cường cũng không thể khuất phục người phụ nữ tay không tấc sắt. Sự liều mình và gan dạ ấy của bà cũng được đền đáp khi ông kia tỏ tường câu chuyện.
Khi việc lớn đã thành, trò chuyện với mọi người, bà bảo, sở dĩ bà mặc áo cộc tay, quần sà lỏn khi lâm trận là để… thông báo cho đám lính canh biết bà không phải thích khách, không mang, không giấu bất cứ loại vũ khí nào trên người.
Bởi thế, vượt qua hết vòng gác ngoài tới vòng gác trong nhưng thấy bà ăn vận vậy biết là không quá mức nguy hiểm nên đám lính canh cũng không hề nổ súng.
(Còn nữa)
Theo Đào Thanh Tuy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)