Di sản của người lính phi công và "di sản" của nhân vật "hạ cánh an toàn"

20/06/2016 09:31:00

Tôi tự hỏi, khi nằm xuống, đại tá phi công lái Su 30MK2 Trần Quang Khải để lại tài sản thừa kế gì cho người vợ đang mang bầu, cho đứa con thơ 3 tuổi và cho người cha đã gần 90 đang sống trong nghịch cảnh "lá vàng còn ở trên cây"?

Tôi tự hỏi, khi nằm xuống, đại tá phi công lái Su 30MK2 Trần Quang Khải để lại tài sản thừa kế gì cho người vợ đang mang bầu, cho đứa con thơ 3 tuổi và cho người cha đã gần 90 đang sống trong nghịch cảnh "lá vàng còn ở trên cây"?

Chả có gì nhiều.

Đến việc xây một căn nhà "kiểu Thái Lan" giản dị ở quê, để phụng dưỡng người cha già, để sum vầy cùng 11 anh chị em khác, Khải cũng đành lỗi hẹn. Vợ con anh, vẫn phải thuê trọ ở Hà Nội để kiếm kế sinh nhai.

Nhưng di sản thực sự mà những người lính như Khải để lại, không hề nhỏ.

Mấy ngày qua, tôi đã lướt qua cả ngàn tài khoản facebook, và nhận ra một điều: Hình ảnh của Khải với chiếc Su 30MK2 và lá cờ tổ quốc, ngập tràn trên facebook của rất nhiều người trẻ, thậm chí chưa đến tuổi 20.

Những người trẻ ấy, gần như không dính dáng chút nào đến chiến tranh và những mất mát trong các cuộc chiến trường kỳ của đất nước.

Nhưng đọc những lời nguyện cầu, những câu thơ đau đớn, suy tư, tôi biết đại bộ phận họ không like, share theo phong trào hoặc theo cảm xúc vay mượn của người khác.

Tại sao hình ảnh của một người lính ngã xuống trong thời bình, lại có sức "đánh thức" ngay cả những người rất trẻ?

Di sản của người lính phi công và di sản của nhân vật hạ cánh an toàn - Ảnh 1.
 

Nói như một nhà báo, Trần Quang Khải đã dang dở giấc mơ bay cùng con chim sắt, nhưng linh hồn người lính phi công ấy sẽ hóa sếu trắng bay kiêu hãnh trên trời cao.

Và tôi nghĩ, linh hồn con sếu trắng ấy đã gọi lên những tiếng tha thiết để biết bao người Việt, đặc biệt là những người Việt trẻ ý thức rõ hơn bao giờ hết về máu xương nhiều thế hệ; về sự cam go trong bảo vệ chủ quyền đất nước; về trách nhiệm của mỗi người với tổ quốc.

Khải được tìm thấy khi "ngủ say" trong chiếc dù quấn chặt trên biển.

Là một phi công chiến đấu cấp 1 dày dạn kinh nghiệm, Khải chắc chắn đã cố, nhưng chuyến bay của anh không thể hạ cánh an toàn.

Nhìn chút quân trang còn lại ít hỏi của Khải; Nhìn người cha già tóc bạc phơ ngồi ngây dại trong mảnh sân quê cũ kỹ ở phố Giỏ, dựng cái rạp màu xanh "đón" con về, tôi chợt nghĩ đến "di sản" và những chuyến "hạ cánh an toàn" của bao nhân vật khác trong xã hội.

"Di sản" để lại là khoản thua lỗ đến vài ngàn tỉ khi làm chủ tịch công ty nhà nước, nhưng có "phi công" vẫn đàng hoàng cất cánh trên đường băng danh vọng.

Khi lâm nạn, thuyền trưởng phải là người rời tàu sau cùng, thậm chí chết cùng con tàu. Nhưng, thật cay đắng, hôm nay có không ít "còn tàu" đắm hàng ngàn tỉ, nhưng thuyền trưởng của nó vẫn tót lên bờ và cất cánh, hạ cánh quan lộ trong các chuyến bay vô tiền khoáng hậu.

Một ông quan đứng đầu một cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tham nhũng, thì trước khi về vườn, đã khiến dư luận sửng sốt khi múa bút nhanh đến chóng mặt: Ký bổ nhiệm hàng chục vị trí quan trọng.

Để rồi cuối cùng, chính ông ấy và chuyến bay ấy vẫn hạ cánh an toàn trong một khu dinh thự nguy nga mà báo chí tốn nhiều giấy mực.

Những thanh niên vừa chân ướt chân ráo ra trường đã có cơ hội ngồi vào nhiều chiếc ghế quyền lực vì có được những "nhà kiến tạo" thân thiết...

Khó có thể kể hết những chuyến hạ cánh an toàn, những kiểu sống vinh thân phì gia, như thế.

Họ để lại "di sản’ gì cho nhân dân, cho đất nước ngoài "hoàng hôn nhiệm kỳ" nhợt nhạt hoặc những lỗ đục khoét chi chít làm mọt ruỗng rường cột?

Sáng nay, khi nhìn hình ảnh đứa con gái 3 tuổi của Trần Quang Khải, ngây thơ trong lễ tiễn đưa cha lần cuối, tôi nhớ đến thượng úy Đinh Văn Dương. Trong vụ tai nạn trực thăng Mi171 ở Hòa Lạc, Hà Nội, khiến 20 chiến sĩ hy sinh, chỉ mình Dương sống sót. 

Anh bảo, mình đã trụ lại được với cuộc đời sau 20 lần phẫu thuật, có lúc tưởng đã ra đi, là nhờ trong cơn hôn mê, nghe tiếng gọi hời của cô con gái nhỏ, của vợ, cha mẹ, người thân và biết bao nhiêu đồng đội. 

Dương đã khóc nhưng được tiếp thêm sức mạnh, khi tất cả con của các đồng đội hy sinh, khi đến thăm anh, đều gọi anh là bố. 

Dương nói, mình cần sống để một ngày nào đó tự bắt taxi quay trở lại nơi 20 đồng đội anh đã vinh viễn nằm xuống, thắp cho họ một nén hương, để nếu có thể, giúp đỡ được, ít nhất là về mặt tinh thần, cho những gia quyến đồng đội. 

Đã hơn 24 tháng qua đi, kể từ ngày khủng khiếp ấy, Dương đau đớn lướt Ipad bằng bàn tay tật nguyền, đọc tin đồng đội lâm nạn. Cả tuần nay, đêm nào Dương cũng cầu nguyện để 9 chiến sĩ trong chiếc CASA 212 số hiệu 8983, được lành lặn trở về. 

Người đã chết như Khải, người còn sống như Dương, dù tật nguyền suốt đời, vẫn để lại những di sản quý về sự hy sinh, về tình đồng đội, về sự tận hiến cho người khác. 

Liệu những câu chuyện về máu xương và nước mắt trong thời bình này, có trở thành phép màu khiến cho những ai đó đang bước vào hoặc muốn "hạ cánh an toàn" trên "đường băng xa hoa, đục khoét, vô cảm", tự vấn lương tâm? 

Không có phép màu nào để "con sếu trắng" Trần Quang Khải bay trở về trong đời thực, nhưng có thể vẫn còn những phép màu khác để sự ra đi của những người như Khải không vô nghĩa, mà trái lại nâng cánh cho trách nhiệm và tình người: 

Nếu có một phép màu 

Xin bớt những xa hoa 

Xin bớt những vênh vang tiệc tùng ầm ĩ 

Xin bớt những cái đầu không biết nghĩ 

Xin bớt những con tim chỉ đập vì mình.

Nếu có một phép màu 

Hãy cho họ hồi sinh 

Không chỉ đất nước đâu, còn mẹ già vợ dại 

Còn những đứa trẻ vẫn dõi nhìn mê mải 

Trên bầu trời khi cánh máy bay qua… 

(Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương)
 

Theo Bùi Hải (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật