Đi 45km mới mua được xăng
Chiều 11/10, theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến quốc lộ 61 - từ TP. Rạch Giá về đến huyện Gò Quao (Kiên Giang), giáp ranh với TP. Vị Thanh (Hậu Giang) có trên 20 cửa hàng treo biển “hết xăng”; một vài cửa hàng mở cửa nhưng có người đến mua thì nhân viên đều lắc đầu. Đáng chú ý, trong số các cửa hàng hết xăng, dầu có cả hệ thống xăng dầu của Petrolimex.
Tại một cây xăng Petrolimex trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang), thời điểm này có rất đông phương tiện chen nhau đến đổ xăng. Khi có người đến hỏi mua, nhân viên cửa hàng nói: "Xe ô tô chỉ được đổ 100.000 đồng, còn xe máy 30.000 đồng chứ không được bán hơn".
Anh T.H.H. - ngụ TP. Cần Thơ - cho hay: “Chiều này, tôi đi từ Kiên Giang theo tuyến quốc lộ 61 để về Cần Thơ, ô tô gần hết xăng nên tìm cửa hàng để đổ. Tuy nhiên, tôi đi dọc tuyến đường, đi qua các huyện Châu Thành, Giồng Riềng mà không có một cây xăng nào bán.
Tôi lo lắm vì nếu xe hết xăng giữa đường không biết làm thế nào. Đi hơn 45km, tôi về đến huyện Gò Quao, giáp ranh TP. Vị Thanh thì có cửa hàng xăng dầu Petrolimex nhưng phía trước kéo rào chắn. Do xe không còn nhiều xăng nên tôi đánh lái vào hỏi thì bất ngờ khi nhân viên này nói còn xăng”, anh H. kể.
Hành nghề chạy xe ôm, ông L.V.S. - ngụ huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết, tối 10/10 có một vài cây xăng trên địa bàn huyện còn mở nên người dân ùn ùn đến mua. Sáng nay, tất cả các cửa hàng trên tuyến quốc lộ 61 này đều đóng cửa.
“Xe máy tôi đổ đầy bình khoảng 50.000 - 60.000 đồng, nhưng chạy hơn chục cây số để tìm cây xăng đổ rồi chạy về thì thử hỏi có lời hay không”, ông S. bộc bạch.
Không riêng gì một số huyện ở Kiên Giang hết xăng dầu mà một số cửa hàng trên TP. Vị Thanh, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Đề nghị cung ứng khẩn hơn 73.000m3 xăng dầu
Trước tình hình trên, ngày 11/10, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - có công văn hoả tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Kiên Giang hiện có 608 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối của 8 thương nhân phân phối xăng, dầu có trụ sở trên địa bàn tỉnh và 15 thương nhân phân phối xăng, dầu ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, qua báo cáo từ Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố và các thương nhân xăng dầu trên địa bàn tỉnh thì hiện nay các thương nhân đầu mối chỉ cung cấp xăng dầu rất hạn chế, nhỏ giọt… cho các thương nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các thương nhân cung cấp xăng dầu ngoài tỉnh không cung cấp hoặc chỉ cung cấp nhỏ giọt cho hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nên càng gây thêm áp lực khó khăn cho hệ thống phân phối trong tỉnh.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn đề nghị Bộ Công Thương cung ứng khẩn hơn 73.000m3 xăng, dầu cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu tỉnh Kiên Giang, cụ thể là gần 37.000m3 xăng và gần 37.000m3 dầu.
Hiện, các thương nhân kinh doanh xăng dầu và nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh kiên Giang chỉ bán hàng cầm chừng theo tiến độ hoặc không còn hàng để bán; tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân gặp khó khăn.
Sóc Trăng làm việc với đơn vị cung cấp xăng dầu
Chiều 11/10, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với các đơn vị cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đảm bảo nguồn cung ổn định trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, các đơn vị cung cấp xăng dầu phản ánh tình hình khó khăn, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với các cơ quan đầu mối lớn cung cấp xăng dầu để đảm bảo nguồn cung cho tỉnh; có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan xem xét có chính sách, đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi…
Qua đó, các chi nhánh của thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu cam kết đề xuất công ty mẹ tăng nguồn cung cho chi nhánh tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở Công Thương phối hợp nắm rõ số lượng xăng dầu cần sử dụng trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch nhu cầu sử dụng của tỉnh trong thời gian tới, trên cơ sở đó để kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các thương nhân, đầu mối lớn cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho Sóc Trăng thông qua các chi nhánh.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, lượng xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào nguồn cung của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối ngoài tỉnh. Trong những ngày gần đây, tình trạng thiếu hàng cục bộ tiếp tục diễn ra.
Theo ông Chiêu, tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là do chiết khấu thấp (thậm chí bằng 0 đồng) đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Cao Xuân Lương
Theo Nhật Huy - Hòa Hội (Tiền Phong)