Di dời trường đại học ra khỏi nội đô: Vì sao nhiều trường không muốn di dời?

04/04/2019 07:29:44

Thiếu giảng đường, thiếu ký túc xá, nội đô ngày càng ùn tắc nhưng nhiều trường đại học không muốn di dời. Trao đổi với PV, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ khẳng định, chủ trương di dời rất đúng nhưng thiếu sự chỉ đạo quyết liệt và cơ chế phù hợp.

Còn tư duy nhiệm kỳ

Ông Trần Xuân Nhĩ cho hay:

Di dời trường đại học ra khỏi nội đô: Vì sao nhiều trường không muốn di dời?
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ

Đứng về mặt tâm lý không ai muốn ra khỏi trung tâm cả. Kể cả mình, cứ ngại. Lãnh đạo các trường, tôi nghĩ thường đang ở tuổi cao, tuổi 50 - 55 rồi, mà còn 5 năm nữa, tội gì tôi phải ra bên ngoài? Về mặt tâm lý lãnh đạo nhiều trường, tôi cho rằng chẳng ai muốn chuyển ra ngoài. Một bộ phận sinh viên cũng không muốn ra ngoài. Họ muốn ở trong trung tâm ít nhất là kiếm được việc này việc kia để làm thêm. Tất cả những cái trước mắt cuốn hút người ta.

Ý nghĩa tích cực của việc di dời với cộng đồng, với việc giảm ùn tắc giao thông, tôi nghĩ lãnh đạo các trường đều biết rất rõ. Tuy nhiên ai cũng vì gia đình, nhà cửa, đi lại, mối quan hệ làm ăn... Có hiệu trưởng một trường đại học lớn từng nói với tôi rằng “Tôi năm nay 55 tuổi rồi, chỉ còn vài năm nữa về hưu, ngại thay đổi lắm”.

Theo ông vì sao chủ trương di dời các trường đại học khỏi nội đô đến nay gần như giậm chân tại chỗ, thưa ông?

Nếu chọn di dời, theo tôi các trường đại học có nhiều thuận lợi hơn các dạng công trình khác như bệnh viện. Nhìn chung với sinh viên thì ở cách trung tâm thành phố một vài chục cây số không có gì đáng lo nếu điều kiện về học tập, sinh hoạt, vui chơi được đảm bảo. Ví dụ Đại học FPT ở trên Hòa Lạc... mỗi phòng có hai sinh viên, có vệ sinh riêng, có tivi... sống như sống trong khách sạn, văn minh, có sân trượt băng, sân thể dục thể thao, có đủ tất cả. Đấy là mô hình quá tốt cho sinh viên học tập. Ai lên đấy học hành cũng tập trung, tránh được những hiện tượng tiêu cực của xã hội.

Theo tôi vấn đề lớn nhất nằm ở chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương di dời. Nhà nước quyết liệt và giải quyết một cách đồng bộ thì các trường đi ngay. Nhiều nước cũng phải di dời các trường ra ngoại thành. Nhà nước yêu cầu chuyển ra, trường đồng bộ, xe đi về trung tâm, khu ở cán bộ giáo viên đầy đủ thì ra bên ngoài rất dễ dàng. Với sinh viên phải có chính sách tốt hơn như tín dụng cho vay, điều kiện ăn ở đầy đủ. Trong khi đó chúng ta lập dự án xây dựng đại học Quốc gia tại Hòa Lạc nhưng làm ì ạch, đủ mọi vướng mắc thì làm sao di dời được. Về đầu tư, nếu chúng ta đầu tư tốt hơn cho lĩnh vực này thì hiệu quả rất cao, nhất là giảm được ùn tắc, lợi ích cho cộng đồng và nhà nước rất lớn.

“Nhạc trưởng” đang ở đâu?

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về công tác chỉ đạo, về “nhạc trưởng” trong việc tổ chức di dời các trường?

Muốn thực hiện tốt chủ trương này, Chính phủ phải rất quyết tâm và cơ quan thực thi phải là Bộ GD&ĐT cùng với các bộ liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính. Mỗi trường phải lập kế hoạch, có lộ trình di dời cụ thể. Phải lập danh sách trường nào di dời, khi nào triển khai, không thể chung chung được. Thứ hai là nhà nước phải bố trí ngân sách đảm bảo việc xây dựng nhanh chóng đúng tiến độ. Với cơ chế tự chủ cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư. Với giáo dục cần cho vay cực kỳ ưu đãi, tốt nhất là không tính lãi để các trường có thể đầu tư mở rộng đào tạo, cơ sở vật chất. Tại nhiều quốc gia gần chúng ta như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều cho các trường vay vốn ưu đãi nhiều.

Về phía quản lý nhà nước, tôi nghĩ cần giao chỉ tiêu. Nếu trường ở trong nội đô, ví dụ như một trường chỉ tiêu đào tạo 10 nghìn người/năm thì bây giờ giao cho ở nội thành đào tạo giảm đi. Lộ trình giảm nội đô và dần giao chỉ tiêu tuyển sinh ra ngoại thành ở cơ sở trường mới. Có trường bây giờ di dời thì có vẻ xa nhưng vài năm đô thị phát triển, hạ tầng đồng bộ thì không còn xa nữa.

Cơ chế nào hỗ trợ vốn xây dựng trường?

Hiệu trưởng Đại học mở Hà Nội Trương Tiến Tùng cho biết, nhà trường đã chủ động tìm quỹ đất xây trường ở ngoại thành và đang rất cần được hỗ trợ về vốn đầu tư. Nguyên nhân là với cơ chế học phí lâu nay, việc tích lũy từ nguồn thu học phí với trường là khá thấp, không đủ để đầu tư. "Hành lang pháp lý trong giao quyền tự chủ cho các trường hiện chưa rõ ràng. Điển hình như các quy định về công sản. Tiếp đó là hạ tầng giao thông làm sao phải tốt hơn để việc đi lại của giáo viên và sinh viên được thuận lợi khi chuyển ra cơ sở mới bên ngoài", TS Trương Tiến Tùng nói

Xây dựng trường mới phải đồng bộ, hiện đại

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Ngay từ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt năm 1998 thì với áp lực của nội đô, lúc đó đã đặt ra yêu cầu di dời các trường đại học. Nhưng thực chất vừa qua thì người ta thấy 17 năm trời không hình thành được khu đô thị đại học nào, đặc biệt trong đó các đô thị vệ tinh, thậm chí có những khu như Hòa Lạc còn chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đó là tồn tại rất lớn.

Từ thực tế triển khai đang đặt ra mô hình các trường ĐH hiện nay như thế nào cho hợp lý? Tôi ví dụ như một số khu KTX tập trung tại Pháp Vân, Mỹ Đình nhưng sinh viên không mặn mà. Do vậy KTX phải rất đồng bộ và thuận tiện với việc học tập của sinh viên. Thông thường ở các nước là trong các trường ĐH nó có cả các khu dạy học, khu nhà ở cho giáo viên, khu ký túc xá. Việt Nam chưa đặt ra vấn đề đó. Trong tiêu chuẩn thiết kế các trường ĐH chỉ chú trọng đến khu học tập, khu phục vụ học tập và có một số trường chú ý đến khu KTX cho sinh viên, nhà ở cho giáo viên. Nhà nước phải có chính sách đi kèm hỗ trợ các trường di dời.

Theo Tuấn Minh - Trường Phong (Tiền Phong)