“Hàng lạnh” bày bán tại thị trấn Pò Chài, Quảng Tây, Trung Quốc. |
Theo đó, Tuấn có nhiệm vụ chỉ đường mòn đi sang Lũng Vài. Tuấn tỏ ra thận trọng: “Những con đường mòn này là nơi vận chuyển hàng lậu. Có rất nhiều các đối tượng “chim lợn” và bảo kê. Chúng sẵn sàng dùng “luật rừng” để xử bất kỳ đối tượng có dấu hiệu khả nghi. Để đảm bảo an toàn cho tính mạng, các anh tuyệt đối không được thể hiện mình là người nơi khác đến”.
Tuấn dẫn chúng tôi qua dốc Khơ Đa (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) để đến gặp các “đồng nghiệp” cũng chuẩn bị sang Lũng Vài bốc hàng. Tại khu vực này, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều nhà chứa đến mấy chục chiếc xe minks, xe wave “chiến” có giá thồ, dính đầy bụi bặm. Tuấn bảo rằng, đó là xe của đội cửu vạn đang nằm im chờ đến giờ hoạt động.
Tại cửa rừng vào khu vực Hang Rơi, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp người đi từ trong ra, đeo trên vai tấm đệm gùi hàng bằng bông dày cộp. Khi đi qua núi đá thuộc khu vực Hang Rơi, một số đối tượng lạ mặt thể hiện thái độ dò xét. Tuấn phải nói, chúng tôi là anh em của hắn mới mở cửa hàng ở Hà Nội, muốn đi cùng để xem hàng. Khi nào nhập hàng về sẽ qua “làm luật” với các anh sau nên họ mới không đeo bám nữa. Tuấn bảo, đó “chim lợn” và cũng là các đối tượng bảo kê. Cửu vạn đi qua đó đều phải được bảo lãnh, còn muốn lấy hàng về buôn thì phải “làm luật” và trở thành một đường dây bao tiêu khép kín.
Chúng tôi rất khó nhận biết những ông chủ buôn, người bốc vác là người Việt Nam hay Trung Quốc, bởi họ nói rất sõi cả hai thứ tiếng. Các chủ hàng vội vã kiểm đếm hàng, nhân viên đóng hàng, cửu vạn luôn chân luôn tay gùi những thùng hàng chất cao quá đầu người chở ra khu vực tập kết để chủ đến nhận hàng.
Theo một lái buôn: “Đa số các mặt hàng ở đây được nhà nước Trung Quốc cho sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, vì quy định riêng của Việt Nam nên các sản phẩm này không được nhập theo đường chính ngạch. Ngặt nỗi, các mặt hàng của Trung Quốc bán với giá rẻ lại có nhiều mẫu mã đẹp nên người dân rất ưa chuộng”.
Theo tìm hiểu, một số sản phẩm mua tận gốc ở Lũng Vài có giá rẻ gấp 2-4 lần giá bán trong nước, đó là chưa kể đến việc gắn mác hàng hiệu vào hàng lậu. Ví dụ, một chiếc thắt lưng hiệu Gucci mua tại Lũng Vài, tính ra tiền Việt chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng (chưa tính mua theo thùng), bán tại Việt Nam khoảng 200.000 – 300.000 đồng là chuyện bình thường, đó là chưa kể việc độn vào hàng shop. Hình ảnh ám ảnh chúng tôi là các con đường có rất nhiều chồng hàng xếp cao như núi.
Hàng lậu... bao nhiêu cũng có
Một góc chợ Lũng Vài, Trung Quốc. |
Dừng lại ở một gian hàng có rất nhiều hình ảnh các cô gái khỏa thân, chúng tôi vào tham khảo các moan đồ chơi kích dục. Chu lão pản (tiếng lóng dân buôn thường hay gọi ông chủ) là người Hoa nhưng nói tiếng Việt rất giỏi: “Cửa hàng tôi bán rất nhiều sản phẩm “sung sướng” cho các quý ông và quý bà. Cậu có mua ít thuốc kích dục cho phụ nữ không? Đây là loại thuốc kích dục không màu, không mùi, không vị nên rất khó phát hiện. Chỉ cần cho vào cốc nước, cậu thích cô nào, là cô ấy sẽ thành người của cậu”(?!).
Chúng tôi tiếp tục tham khảo tại một số cửa hàng khác. Các cửa hàng còn có các cô tiếp viên “chào hàng” sản phẩm kích dục. Đó là các cô gái trẻ, tuổi đời mới đôi mươi. Các nàng không ngại giới thiệu về các sản phẩm và lả lướt với khách hàng. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn các sản phẩm này cũng là hàng giả. Còn dân buôn thì cho biết, các sản phẩm thuốc kích dục này chủ yếu được dùng cho trâu bò. Người dùng phải hàng rởm này có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Một loại mặt hàng cũng sôi động không kém là các sản phẩm súng, đao, kiếm, dùi cui điện, pháo nổ. Các loại mặt hàng này được bán rất công khai. Chúng tôi có thể được thoải mái chọn lựa sản phẩm ưng ý nhất. Theo một “cò” mặt hàng này thì: “Các sản phẩm kích dục chủ yếu bán cho người Việt Nam. Anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Nếu đã thanh toán chi phí đầy đủ, chúng tôi sẽ đảm bảo đem “hàng” đến bất kỳ địa điểm nào. Nếu mất món hàng nào, chúng tôi đền cả gốc lẫn lãi”.
Lập chốt chặn ở đường mòn biên giới Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Trí – Chi Cục trưởng cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) cho biết: Sau khi Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tích cực vào cuộc, tình trạng buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã giảm đáng kể. Chúng tôi phối hợp với các ban ngành liên quan, nỗ lực phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam đã xây dựng 4 điểm chốt chặn tại các đường mòn biên giới và có lực lượng biên phòng túc trực 24/24h. Thế nhưng, do địa hình phức tạp, lực lượng mỏng nên không tránh khỏi việc hàng lậu vẫn được tuồn vào Việt Nam. |