ĐH Hùng Vương: Không có người đại diện cho "cục tài sản" gần 20 tỉ?

09/05/2016 17:58:00

Cho rằng Luật quy định “số tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” không có người nào được đại diện, Đại hội cổ đông bất thường của trường Đại học Hùng Vương TP.HCM diễn ra sáng nay 9.5 chỉ có mặt của những cổ đông góp vốn…

 
Cho rằng Luật quy định “số tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” không có người nào được đại diện, Đại hội cổ đông bất thường của trường Đại học Hùng Vương TP.HCM diễn ra sáng nay 9.5 chỉ có mặt của những cổ đông góp vốn…

Sau buổi họp, phía Ban giám hiệu nhà trường đã gặp gỡ một số báo chí để thông báo thông tin về phiên họp.

dh hung vuong: khong co nguoi dai dien cho
Cảnh náo loạn trước trường đại học Hùng Vương năm 2014 do mâu thuẫn giữa các bên trong việc chuyển trụ sở đến nỗi phải nhờ đến lực lượng cảnh sát cơ động giữ trật tự…

100% tờ trình được thông qua…

Theo bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của ĐH Hùng Vương TP.HCM, số cổ đông tham dự là 94.44%. Tất cả các tờ trình về tăng vốn điều lệ, kế hoạch củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ đào tạo và kế hoạch tuyển sinh năm 2016; bầu Hội đồng Quản trị (HĐQT) và ban Kiểm soát mới… đều được thông qua với 100% thành viên có quyền biểu quyết tán thành.

Đại hội cũng bầu ra 7 thành viên của HĐQT mới đại diện cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, ai sẽ giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT mới thay cho ông Đặng Thành Tâm, hay ông này vẫn giữ nguyên chức vị thì phía đại diện nhà trường cho biết… “không có thẩm quyền trả lời”.

Ngoài ra, bà An cũng cho biết, hôm nay cũng có một người đại diện của cổ đông sáng lập đến tham dự và rất ủng hộ nhà trường nhưng danh tính người này cũng không được tiết lộ.

Như vậy, trong thời gian tới, nếu HĐQT mới này được UBND TP.HCM công nhận hợp pháp thì sẽ tiến hành nhiều vấn đề quan trọng như phát hành 19,8 triệu cổ phần phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Vốn điều lệ trước khi phát hành là 52 tỉ đồng, vốn điều lệ sau khi phát hành là 250 tỉ đồng. Thời gian phát hành là trong năm 2016-2017.

Tuy nhiên, đối tượng phát hành của cổ phiếu lần này chỉ gói gọn trong số các cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 10:39 (mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ được mua 39 cổ phần). Số lượng cổ phần được mua sẽ được làm tròn số xuống nếu không phải là số nguyên. Ngoài ra, đối với số cổ phiếu lẻ, không bán hết cho cổ đông hiện hữu sẽ được HĐQT phân phối cho đối tượng khác với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần.

Đồng thời, nếu HĐQT mới này được UBND TP.HCM công nhận thì trường sẽ lập tức bầu thêm 4 thành viên của HĐQT gồm 1 người đại diện cho Đảng ủy, 1 đại diện cho giảng viên, 1 người đại diện cho chính quyền địa phương và người cuối cùng là Hiệu trưởng được bổ nhiệm. Như vậy, tổng thành viên của HĐQT sẽ là 11 người.

Về phía các giáo viên, số lượng giảng viên của trường hiện có là 37 người. Sau khi Hội đồng quản trị mới được công nhận cần đưa 23 giảng viên đang ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Trường đại học Hùng Vương (cổ đông của trường) về ký lại với trường, đồng thời cần ký hợp đồng lao động thêm với một số giảng viên nữa để duy trì ngành, xin tuyển sinh cho năm 2016-2017.

“Số lượng chỉ tiêu xin đào tạo trong năm 2016-2017 cũng chưa biết thế nào vì đó là quyết định của Bộ GD-ĐT”, bà An nói.

Ngoài ra, tại Đại hội cũng chấp thuận thông qua tờ trình cho Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi) đầu tư 6ha đất vào trường nếu Hội đồng quản trị mới này được UBND TP.HCM công nhận.

Không có người đại diện cho “cục tài sản” gần 20 tỉ?

Khi chúng tôi đặt vấn đề không thấy có cổ đông đại diện cho khối “tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” đến dự, bà An cho biết, Đại hội cổ đông bất thường lần này là hoàn toàn hợp pháp theo luật định (Luật Giáo dục Đại học, Điều lệ trường học, Nghị định 141 của Chính phủ…), về phần khối “tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” (hơn 17 tỷ) theo quy định của pháp luật thì không có ai được quyền đại diện.

Cụ thể theo bà An, tại Đại hội cổ đông lần trước, ông Đặng Thành Tâm có đề ra hai phương án gồm có mời đại diện của trường đại diện cho khối tài sản này và phương án không mời. Cả hai phương án này đều được gửi cho Bộ Tư Pháp và Bộ GD-ĐT nhưng cả 2 bộ này đều “khẳng định bằng văn bản” rằng "khối tài sản chung sở hữu hợp nhất không phân chia” không được có người đại diện. Số tài sản này sẽ giao cho HĐQT nhà trường quản lý để phục vụ cho nhu cầu phát triển và đào tạo của nhà trường.

“Theo quy định, sẽ có khoảng ít nhất 25% chênh lệch giữa thu và chi phải bỏ vào khối tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Nếu để cho có người đại diện thì sao phía các nhà đầu tư người ta chịu”, bà An nói.

Được biết, trong vòng 30 ngày thì phía UBND TP.HCM sẽ ra quyết định công nhận hoặc không công nhận với kết quả của Hội đồng cổ đông bất thường lần này.

“Tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia” theo luật định là khoản tài sản hình thành do biếu, tặng hoặc cấp phát và được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập.

Trước khi chuyển đổi, tài sản của trường dân lập là tài sản chung của tập thể. Quy chế trường đại học dân lập năm 2000 đã xác định chủ sở hữu của trường dân lập: “Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là sau khi các trường chuyển đổi từ mô hình trường dân lập sang tư thục thì ai sẽ là chủ khối tài sản này và tài sản được xử lý như thế nào. Vì trong thực tế quá trình chuyển đổi tại một số trường cho thấy đã có sự lợi dụng để cắt bỏ thành phần chủ sở hữu trường, tức gạt bỏ “giảng viên, cán bộ và nhân viên”, chỉ để lại “người góp vốn đầu tư”. Đây cũng là nguyên nhân của tranh chấp diễn ra nhiều năm qua tại đại học Hùng Vương.

Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Nổi bật