Người phụ nữ 50 tuổi (ở Phú Thọ) đến viện khám với biểu hiện da vùng ngực đổi màu, nổi u cục lổn nhổn khắp ngực, ấn có tình trạng đau tức... Theo bệnh nhân, 10 năm trước đã nâng ngực tại cơ sở làm đẹp tư nhân.
Khi đó, bà chỉ biết nhân viên spa tiêm một chất lỏng màu trắng giá vài triệu đồng vào hai bên ngực, không biết chính xác tiêm chất gì. Sau đó, bà thấy "vòng 1" đẹp hơn. Gần đây, thấy ngực có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân lo lắng, đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân được tiêm silicon lỏng vào hai bên ngực. Đây là chất bị cấm sử dụng.
Bác sĩ Hoàng Hồng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trường hợp này là ca biến chứng nặng do nâng ngực bằng tiêm silicon. Bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ gần như hoàn toàn ngực của bệnh nhân để tránh những ảnh hưởng đến tính mạng.
"Do lượng silicon quá nhiều, xâm lấn, nên bác sĩ không thể đặt túi ngực ngay cho bệnh nhân mà phải đợi vết mổ ổn định. Ít nhất 6 tháng sau mới có thể xem xét tạo hình lại ngực bằng cách cấy mỡ, đặt túi"- bác sĩ Hồng nói.
Theo bác sĩ Hồng, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm silicon tại cơ sở chui, cơ sở không phép. Tuần qua, đã ghi nhận 2 trường hợp biến chứng sau tiêm silicon lỏng.
Theo bác sĩ Hồng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng từ năm 1991. Tại Việt Nam, năm 1995, Bộ Y tế cũng đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể vì gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí ung thư vú sau tiêm silicon.
Bác sĩ Hồng cũng khuyến cáo với trường hợp đặt túi nâng ngực, cần thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: Sưng, đau, căng tức, ngực biến dạng. Trường hợp không phát hiện dấu hiệu bất thường, sau khoảng 7 - 8 năm nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và nên thay túi sau 10 năm.
Theo D.Thu (Nld.com.vn)