Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 170 km về phía Đông.
Trong 12 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển 10-15 km mỗi giờ. Khuya nay bão đi vào các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, sau đó thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h ngày 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sức gió giảm còn cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.
Các đài khí tượng của Hong Kong và Hải Quân Mỹ cũng nhận định bão đang suy yếu nhưng có sự chênh lệch về sức gió và thời gian. Theo đài Hong Kong, tâm bão Nakri đổi hướng từ Tây sang Tây Tây Bắc. Đến 7h sáng nay, sức gió tối đa khoảng 90 km. Khi gần bờ biển, bão sẽ ngoặt hướng Tây tiến vào TP Tuy Hòa. Đến 7h ngày 11/11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên Tây Nguyên với sức gió 65 km mỗi giờ.
Đài Hải Quân Mỹ nhận định, 1h sáng 11/11 tâm bão ở bờ biển Phú Yên với sức gió 83 km mỗi giờ. Sau đó, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Còn theo Đài Khí tượng Nhật Bản, đến 19h ngày 10/11, tâm bão sẽ cách bờ biển Phú Yên 80 km, sức gió 100 km, tiến vào đất liền với vận tốc 15 km/h.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7 m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6 m. Biển động rất mạnh.
Từ chiều tối nay, trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Gia Lai, Đắk Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5-2,5m.
Từ hôm nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt tại Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng từ 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa là 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, sông nhỏ lên trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Tại Bình Định, sáng 10/11 bắt đầu có mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh dần lên. Sóng biển cao 4- 6 m liên tiếp đánh vào bờ, uy hiếp tuyến đường ven biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Gần 300 người, gồm dân quân, bộ đội, công an và người dân đã có mặt để gia cố 2 km bờ kè bị sập do bão số 5 (Matmo). Cũng tại khu vực này, 179 hộ dân ven biển đã di dời đến nhà người thân, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế để tránh bão Nakri đổ bộ.
Còn tại Phú Yên, theo dự báo tâm bão có thể quét qua thị xã Sông Cầu (Phú Yên) nên hiện tại lực lượng biên phòng thường xuyên túc trực trên vịnh Xuân Đài phát loa yêu cầu ngư dân rời lồng bè vào đất liền trú tránh. Không khí chuẩn bị đối phó bão số 6 ở đây diễn ra nhanh chóng, người dân tự chủ động hạ lồng bè, cho tôm hùm, cá… ăn, sau đó di chuyển vào đất liền.
Theo báo cáo của tỉnh Phú Yên, tỉnh này hiện có hơn 10.000 người làm việc, sinh sống trên 91.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển; tập trung ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu, vịnh Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa.
Lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú… có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, là thứ tài sản giá trị nhất của người dân, nên mọi người thường có tâm lý sẽ ở lại bè để bảo vệ tài sản. Đây cũng chính là mối lo lớn nhất của tỉnh Phú Yên trong ứng phó với bão số 6 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Vì vậy, tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn giúp người dân hạ lồng bè xuống sâu dưới biển để tránh thiệt hại. Đồng thời yêu cầu người dân phải sơ tán trước 12h ngày 10/11, nếu không tự sơ tán sẽ cưỡng chế di dời toàn bộ vào lúc 14h cùng ngày.
Tại Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ là địa phương được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất của bão số 6. Do đó, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời dân khu vực ven biển đến nơi an toàn.
Thông tin trên Dân trí, ông Trần Phước Hiền - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, tính đến 12h ngày 10/11, huyện Đức Phổ đã tiến hành di dời gần 300 hộ dân của xã Phổ Thạnh đến nơi an toàn.
Theo kế hoạch, toàn huyện có đến 1.100 hộ dân với 4.000 nhân khẩu phải di dời. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế, huyện quyết định di dời trước gần 300 hộ dân tại xã Phổ Thạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra công điện khẩn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với bão. Hiện, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà đã ban hành lệnh cấm ra khơi. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.
Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng gần 45.000 hộ dân với tổng số 180.000 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)