Đề xuất xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động

24/10/2024 10:09:59

Ngày 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Đề xuất xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, khắc phục đ­ược các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan về bảo hiểm y tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

"Dự án luật thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức"- bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo người đứng đầu Bộ Y tế, dự thảo luật đã bổ sung quy định bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã bổ sung các quy định về chậm đóng bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm y tế. Cụ thể, chậm đóng bảo hiểm y tế là một trong các hành vi sau đây của người sử dụng lao động: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế; Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế...

Trốn đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm y tế cho người lao động trừ các trường hợp có lý do chính đáng theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo luật cũng bổ sung các chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế như: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Xã hội thấy rằng việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm "chậm đóng bảo hiểm y tế", "trốn đóng bảo hiểm y tế" và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế là cần thiết, song cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.

Theo cơ quan thẩm tra, việc vận dụng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến (Nld.com.vn)

Nổi bật