Đề xuất xóa sổ dự án lấn sông Đồng Nai

13/05/2015 10:03:57

Cần có những giải pháp phục hồi lòng sông và bờ sông đã bị vi phạm làm tổn thương.

Cần có những giải pháp phục hồi lòng sông và bờ sông đã bị vi phạm làm tổn thương.

Nguy hiểm cho cù lao Phố

Nhiều tháng qua ông Long đã cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, xem xét trên thực địa dự án lấn sông Đồng Nai tại phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa). Theo ông Long, những khảo sát địa chất, địa mạo lòng sông và với hình ảnh hiện trường cho thấy dự án lấn sông này chắc chắn làm thay đổi dòng chảy rất nhiều, nguy hiểm cho khu vực cù lao Phố. Đoạn sông này có chiều ngang rộng phình ra là do lịch sử để lại khi mà lòng sông được mở rộng khả năng tiêu thoát nước theo phương ngang. Do bị thay đổi dòng chảy nên có một điều chắc chắn là khuynh hướng xâm thực bờ cù lao Phố sẽ luôn luôn lớn hơn so với bờ đối diện.
 

Các cơ quan chức năng kiểm tra dự án lấn sông Đồng Nai. Ảnh: TIẾN DŨNG


“Điều đáng lo ngại nhất là tác động của công trình đến diễn biến lòng sông từ thượng lưu đến hạ lưu khu vực dự án. Các khu vực cù lao Phố, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, cầu Hiệp Hòa là những trọng điểm về nguy cơ bị tác động. Hiện tượng co hẹp dòng chảy, mất cân bằng động lực là một trong những tác nhân gây sạt lở, xói sâu công trình, đặc biệt ở đây địa chất yếu” - TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi, lo lắng.

Theo ông Long, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở dự án này có nhiều khuyết điểm cả về khía cạnh khoa học kỹ thuật và thiếu rất nhiều số liệu. Điều này không thể chấp nhận được. Nội dung của ĐTM rất sơ sài, thiếu nhiều số liệu, dữ liệu cần thiết. Cụ thể, phần mô tả những điều kiện kinh tế-xã hội thiếu số liệu quan trọng về nguồn sinh kế phụ thuộc vào dòng sông ở địa phương như đánh cá, nuôi trồng thủy sản, lấy nước sinh hoạt, giao thông đường thủy, dịch vụ trên sông…

Có lợi ích nhóm

Theo ông Long, dòng sông Đồng Nai, đoạn chảy qua TP Biên Hòa đang bị xâm hại. Điều này là rất rõ ràng, không thể che giấu hay bao biện, giải thích gì nhiều hơn được nữa. Cần phải dứt khoát với những hành vi lấn chiếm bờ sông, lấp sông như dự án này. Cần phải có những giải pháp phục hồi lòng sông và bờ sông. Bởi hậu quả tác động về môi trường và xã hội là rất lớn và lòng tin của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Cần trả lại dòng chảy vốn có của sông Đồng Nai.

“Việc thực hiện dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai có bản chất là dự án chỉnh trị sông có tác động rất nhiều vào dòng sông và xây mới hạ tầng cơ sở. Căn cứ vào quy mô của dự án, đây chính là ý đồ xây dựng một đô thị phát triển trên sông chứ không còn là làm kè ven sông như ban đầu. Dự án này không thân thiện với môi trường và cũng không phù hợp với hoàn cảnh xã hội xung quanh dự án” - TS Long nhận định.

Về phía Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, tổ chức này cũng đề nghị cơ quan chức năng ở các cấp xem xét, cho dừng hoàn toàn việc thực hiện dự án này và đưa ra các giải pháp cần thiết để phục hồi hiện trạng, lập quy hoạch, chỉnh trị sông tuân thủ theo pháp luật. “Việc cho thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xâm hại các dòng sông và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước của các lưu vực sông” - thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh.
 

Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - TS Vũ Ngọc Long:

Sao chép báo cáo đánh giá tác động môi trường

Có một điều “lạ” là ĐTM của dự án lấn sông Đồng Nai có nhiều chỗ rất giống với ĐTM của dự án Đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Phần kết luận và kiến nghị trong báo cáo này là rất quan trọng, đưa ra những thông tin để cấp có thẩm quyền có cho thực hiện dự án hay không. Nhưng ở dự án lấn sông, phần này đã được sao chép từ dự án công viên nghĩa trang.
 
>> Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự án lấp sông Đồng Nai
>> Tạm dừng thi công dự án "lấp sông Đồng Nai" 
>> Đại gia bỏ 3.200 tỷ "lấp" sông Đồng Nai "khủng" cỡ nào?
>> Lấn sông Đồng Nai: Đồng Nai "quên" quyền lợi 10 tỉnh bạn
Theo Hoàng Vân (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật