Theo thống kê, trong hôm qua (18/3), Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đón 40 chuyến bay quốc tế về Việt Nam với 2.364 khách, qua kiểm tra y tế đã có 1.100 hành khách được đưa đi cách ly. Còn trong ngày hôm nay (19/3), sân bay Nội Bài đón 1.911 khách, trong đó hơn 1.100 là người Việt Nam về từ vùng dịch.
Nỗi lo lắng mang tên COVID-19 là lý do thông cảm được cho những cuộc hồi hương trong bối cảnh này nhưng cũng đang gây áp lực lớn cho việc kiểm soát dịch bệnh. Dù nguy cơ mắc COVID-19 rất cao trong quá trình di chuyển trước cả khi về đến quê hương, kiều bào và du học sinh vẫn đang về. Dễ thấy nhất là các ca mắc mới tăng nhanh tuần qua chủ yếu đến từ các chuyến bay về Việt Nam. Và cả những "va chạm" vì điều kiện cách ly không được như ý. Chi phí phòng dịch đương nhiên không dừng lại. Do đó, đề xuất sử dụng các địa điểm như resort, khách sạn là sáng kiến rất thẳng thắn và hợp tình hình thực tế.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ: "Hiện nay Việt Nam đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt là Bộ Quốc phòng đang cố gắng từng bước khi bố trí các doanh trại quân đội phục vụ cách ly miễn phí, điều mà nhiều quốc gia chưa làm được".
Tuy nhiên, thực tế các doanh trại quân đội còn thiếu thốn về cơ sở vật chất trong khi nhiều người có tiêu chuẩn điều kiện sống cao. Tiêu chuẩn này không phải để thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân mà xuất phát từ điều kiện làm việc, học tập.
"Ví dụ như các du học sinh kể cả học sinh, sinh viên trong nước nếu ở thời gian cách ly 14 ngày thì họ vẫn cần được học trực tuyến. Rồi lãnh đạo các tập đoàn, công ty trong thời gian cách ly họ vẫn phải điều hành doanh nghiệp online. Vì vậy với cơ sở doanh trại quân đội phòng chung chia các giường nhiều tầng, không bàn làm việc, không mạng wifi, internet sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn", TS Lương Hoài Nam nói.
Theo TS Hoài Nam, như vậy có thể thấy, rất nhiều người chấp nhận trả chi phí để có điều kiện tốt để duy trì công việc, học tập trong 2 tuần cách ly. Trong khi đó, nhiều khách sạn, resort bây giờ rất vắng khách, không ít resort ngừng hoạt động, việc mượn chúng làm cơ sở cách ly không khó.
Những người chọn cách ly ở các khách sạn, resort chắc sẽ vui vẻ trả tiền bù đắp chi phí. Do vậy, nếu các khách sạn đồng ý cho nhà nước sử dụng làm khu cách ly thì sẽ tạo cơ hội lựa chọn cho nhiều người có nhu cầu.
TS Nam cũng nhấn mạnh, việc chọn khách sạn, resort làm nơi cách ly có trả phí sẽ không thay thế những khu cách ly do quân đội quản lý. Đây là chỉ giải pháp linh hoạt trong bối cảnh này giúp nhiều người có thêm lựa chọn. Còn những công tác liên quan đến phòng dịch, chuyên môn, an ninh thì nhà nước vẫn đảm nhiệm.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Du lịch thông tin, tính đến sáng 19/3 đã có khoảng 140 cơ sở trên cả nước đăng ký làm khu cách ly. Đà Nẵng là địa phương có nhiều cơ sở nhất. Các cơ sở này sẽ được Sở Y tế kiểm tra điều kiện cần thiết trước khi chính thức trở thành khu cách ly.
Hiện nay, các cơ sở có muốn trở thành khu cách ly có thể đề xuất 2 phương án là cách ly miễn phí và cách ly trả phí. Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đánh giá việc doanh nghiệp cho chính quyền mượn cơ sở làm khu cách ly ở thời điểm này là điều vô cùng đáng quý.
Đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho biết, khách sạn Mường Thanh trải dài trên 43 tỉnh thành và sẵn sàng đăng ký một số cơ sở làm các khu cách ly nếu Chính phủ cần. "Chúng tôi muốn chung tay góp sức cùng cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện tại các khách sản đã khử trùng toàn bộ và chờ chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ", đại diện của Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ thêm.
Bà Phạm Xuân Thủy – Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thiện Đà Nẵng cũng vừa có thư ngỏ đến lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc cho mượn khách sạn làm nơi cách ly dịch COVID-19.
"Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và với mong muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng nhằm đẩy lùi dịch bệnh, ban lãnh đạo công ty đã quyết định cho thành phố mượn toàn bộ khách sạn để làm cơ sở lưu trú cho những người thuộc diện cách ly. Việc quan trọng nhất lúc này là đẩy lùi COVID-19, do vậy công ty sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro nhất định để chung tay cùng thành phố trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh", bà Thủy chia sẻ.
Hiện tại, lượng người Việt Nam ở nước ngoài về tránh dịch vẫn cao, thậm chí có những người trở về tâm dịch châu Âu. Chính vì thế, Nhà nước đang phải chuẩn bị khu cách ly với quy mô lớn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và chữa trị kịp thời.
Cũng bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) chia sẻ: "Hiện nay nhà nước chưa có quy định cụ thể về việc tính phí như thế nào đối với người có nhu cầu cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng các cá nhân nên tự nguyện thì hay hơn. Với những khách sạn cho nhà nước mượn cơ sở miễn phí thì số tiền mà người cách ly trả sẽ được đóng vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19".
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì lưu ý thêm rằng: "Dù có chọn cách ly ở resort hay khách sạn đi chăng nữa thì những người này vẫn chịu giám sát cơ quan y tế Việt Nam. Hiện tại Nhà nước đang chữa bệnh miễn phí những bệnh nhân Việt Nam nhiễm COVID-19 và cách ly số lượng lớn nên rất tốn kém. Do đó, chuyện những người có điều kiện từ nước ngoài về muốn ở resort để cách ly thì hãy để họ tự chi trả theo thỏa thuận".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, những người làm việc trong khách sạn, resort sử dụng làm khu cách ly cũng đối diện với sự nguy hiểm bởi có thể bị lây nhiễm dịch bệnh nên họ cần phải được trả thù lao xứng đáng.
Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành rà soát, lựa chọn một số cơ sở lưu trú du lịch để làm nơi cách ly có trả phí cho người về từ vùng dịch. Địa phương phải gửi danh sách các cơ sở theo các hạng sao kèm giá phòng ngủ và dịch vụ (theo mức giá ưu đãi) để Bộ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo cho các đối tượng phải cách ly đăng ký.
Theo Cao Tuân (Giadinh.net.vn)