Chiều 15/1, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội Hà Nội) kiến nghị giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Khánh đề nghị cần tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ. Theo đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em. Lý do cần có dữ liệu này là để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết…
Về giải pháp, đại biểu Khánh đề nghị tăng chế tài xử phạt và cần ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em để mọi người biết mà tránh mặt.
“Ở các nước, người ta phát triển những thuốc, khi tiêm thuốc này cho những kẻ bệnh hoạn họ sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao Bộ Y tế và Viện KH&CN Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội” - bà Khánh nói.
Cũng trong cuộc họp, đại diện tổ giúp việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, giai đoạn từ đầu 2015 đến giữa năm 2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em. Trong đó, số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam (1.059 em nam và 7.032 em nữ).
Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần như 100%” - bà Thủy nói và dẫn chứng tỉ lệ này ở Cần Thơ là 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%...
Theo bà Thủy, môi trường gia đình vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Vì theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%. Trong khi môi trường nhà trường vẫn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người…
Ngoài ra là tình trạng thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí cả học sinh nam. Bà Thủy dẫn chứng vụ việc Trường Tiểu học - THCS Tam Lập, Bình Dương 13 trẻ bị xâm hại; vụ việc ở trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội chín trẻ bị xâm hại…
“Lẽ ra nhà trường và gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ. Song vấn đề mới và nổi lên trong giai đoạn này là việc nhiều trẻ em bị người ruột thịt, người thân trong gia đình, bị thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các em. Điều này đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan phải có giải pháp phòng ngừa phù hợp với tình hình mới”, bà Thủy nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường. Theo ông, công tác giáo dục đạo đức trong trường học đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn do ảnh hưởng và tác động từ xã hội.
Về những vụ việc liên quan đến phẩm chất đạo đức nhà giáo, ông Độ cho biết bộ đã tăng cường nhiều cuộc vận động, giáo dục cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí, giữ được phẩm chất đạo đức nhà giáo.
“Sau khi có những việc xảy ra như vậy, bộ đã có biện pháp xử lý cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo” - ông Độ nói.
PTH (Nguoiduatin.vn)