Đề xuất tịch thu phương tiện: Không loại trừ người lái xe công

09/03/2015 09:23:57

Cuộc tranh cãi có tịch thu xe máy, xe ô tô của "ma men" hay không vẫn đang diễn ra quyết liệt trong các cuộc họp, tọa đàm, trên các mạng xã hội... giữa những người đề xuất, người ủng hộ và các quan điểm khác.

Cuộc tranh cãi có tịch thu xe máy, xe ô tô của "ma men" hay không vẫn đang diễn ra quyết liệt trong các cuộc họp, tọa đàm, trên các mạng xã hội... giữa những người đề xuất, người ủng hộ và các quan điểm khác.

Nộp phạt tương đương giá trị xe nếu đi xe mượn
 
Câu hỏi về việc nếu người vi phạm nồng độ cồn là người sử dụng xe mượn sẽ phải xử lý thế nào, đã được ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giải đáp trong buổi đối thoại với luật sư, nhà báo cuối tuần qua. Cụ thể, ông Hùng cho hay: “Với những người điều khiển xe chính chủ phạm luật thì sẽ bị tịch thu xe; những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi việc nộp phạt đã xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu. Do đó, những lo ngại của chủ xe khi cho mượn hoặc cho thuê sẽ bị mất trắng là không đúng, việc này sẽ hoàn toàn do người điều khiển xe chịu trách nhiệm”.
 

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, người mượn xe hay người lái xe công... đều bị xử lý theo quy định chung (ảnh minh họa). Thái An


Chi tiết hơn, ông Hùng cho rằng trong một số trường hợp, người mượn xe không trả hoặc không có khả năng trả số tiền tương đương với xe thì xe vẫn được trao trả về cho người sở hữu. Người mượn xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật.

Đối với xe “biển xanh” (xe của cơ quan Nhà nước), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng khẳng định Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ, bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt. Vì vậy, không có một cơ quan công quyền nào cho phép cán bộ của mình vi phạm mà lại không bị xử lý. Nếu như cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định.

Luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội) đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vi phạm quy định, nhưng cần phải nghiên cứu thêm các luật, bộ luật khác.

Luật sư Hải cho rằng: “Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng là căn cứ cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất, nhưng căn cứ đó chưa đủ và phải nghiên cứu thêm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự. Bởi vì luật quy định rằng, trong trường hợp mà không rõ quy định thì phải tìm những bộ luật tương tự”.

Theo luật sư Hải: “Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại không nói rõ tịch thu phương tiện của người vi phạm hay của người khác mượn. Do đó, tôi cho rằng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần phải cân nhắc về vấn đề tịch thu phương tiện. Ngoài tịch thu phương tiện ra, ta có thể phạt thật nặng”.

Tiếp tục tranh cãi “nảy lửa”

Hiện chúng tôi chưa tính đến các biện pháp xử phạt liên quan đến hình sự, mặc dù một số nước khác đã áp dụng hình thức xử phạt rất nặng liên quan đến việc uống rượu, bia quá quy định điều khiển phương tiện giao thông”.
 
Ông Khuất Việt Hùng

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn ô tô, xe máy hay các thăm dò trên các báo điện tử, số lượng người ủng hộ, phản đối đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thay đổi thường xuyên. Ban đầu, khi đề xuất mới được đưa ra, ý kiến ủng hộ chiếm phần đông. Nhưng hiện tại, phần ủng hộ - không ủng hộ đã lệch chiều trên một số diễn đàn hay các báo điện tử đưa bảng thăm dò.

Như trên diễn đàn www.otofun.net, tính đến chiều 8.3 đã có 746 ý kiến không ủng hộ đề xuất của An toàn giao thông quốc gia, và có 159 ý kiến ủng hộ. Trên một số báo điện tử vẫn đang lấy ý kiến tỉ lệ ủng hộ và không ủng hộ không chênh lệch đáng kể, ví dụ 46% - 54% hoặc 44% - 46% - 9% (ý kiến khác).

Trong giới vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ đề xuất tăng nặng xử phạt đối với hành vi chở quá tải và người nồng độ cồn quá quy định điều khiển xe. Ông Thanh cho rằng cần thiết phải tịch thu phương tiện vì đó là “phương tiện gây án”. Ngược lại, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội lại cho rằng chỉ có thể tăng nặng mức xử phạt chứ không thể tịch thu phương tiện của người vi phạm luật giao thông được.

Dù không ủng hộ hình thức tịch thu xe của người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện nhưng rất nhiều ý kiến đã đề xuất có thể tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tạm giữ người vi phạm hay phạt lao động công ích.
 
>> Tịch thu xe khi say: Phạt nặng càng gây chống đối
>> Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Trình Chính phủ quyết định trước 31/3
>> "Tài xế say xỉn, xe chục tỷ cũng tịch thu"
>> Đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao
>> Thu ô tô khi lái xe say rượu: “Đề xuất này rõ ràng vi phạm Hiến pháp”
 
Theo Vinh Hải - Nguyễn Đức (Dân Việt)