Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền vi phạm giao thông, gấp 4 lần với vi phạm PCCC

29/04/2025 09:55:32

Chính phủ dự kiến tăng mức phạt tiền so với quy định hiện hành trong nhiều lĩnh vực của luật Xử lý vi phạm hành chính; trong đó, đề xuất tăng mạnh mức xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông đường bộ và phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc ngày 5/5 tới.

Theo dự án Luật, mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng khoảng gấp hai lần so với hiện hành. Mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng nhưng luật sửa đổi đề xuất nâng cao gấp đôi, lên mức 150 triệu đồng.

Vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện có mức phạt tối đa là 50 triệu đồng, còn luật sửa đổi đề xuất tăng mức phạt cao gấp 4 lần, lên mức 200 triệu đồng.

Vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng tăng mức phạt từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; lĩnh vực đê điều tăng từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng, quản lý giá, nhà ở tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực với một số lĩnh vực mới như dữ liệu, công nghiệp công nghệ số.

Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.

Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền vi phạm giao thông, gấp 4 lần với vi phạm PCCC

Một nội dung đáng chú ý khác của dự án Luật là việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các trường hợp áp dụng bao gồm các tang vật, phương tiện thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật.

Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định (1 năm) mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền vi phạm giao thông, gấp 4 lần với vi phạm PCCC - 1
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính

Theo ông Ninh, những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất này. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ quy định bổ sung tại dự thảo vì liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ và luật hiện hành đã có quy định về xử lý đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng là tang vật vi phạm hành chính.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

HL (SHTT)

Nổi bật