Đề xuất sáp nhập thêm tỉnh, thành 'như Hà Nội và Hà Tây'

26/10/2018 13:55:31

Đánh giá cao việc sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, ông Tạ Văn Hạ đề xuất tiếp tục thực hiện chủ trương này với các tỉnh, thành khác.

Video: Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại Hội trường.

Sáng 26/10, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội nhiều đại biểu đề cập đến gánh nặng ngân sách do bộ máy hành chính, biên chế cồng kềnh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đánh giá, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, như giảm được 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, hơn 86.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 công chức. Nhiều địa phương đã kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chức năng tương đồng, bớt tổ chức trung gian và thí điểm sáp nhập 3 văn phòng Quốc hội, UBND và HĐND.

Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng công việc trên diễn ra còn chậm, đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém; ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thừa nhận, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng theo ông, đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều".

Đề xuất sáp nhập thêm tỉnh, thành 'như Hà Nội và Hà Tây'
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ. Ảnh: QH

Hiến kế giải pháp cho vấn đề trên, ông Hạ nói Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhật một số tỉnh, thành.

Ông lấy ví dụ, nhìn sang các nước láng giềng, có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã lên 63.

"Gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", ông Hạ nói và khẳng định đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Chung ý kiến, đại biểu Phạm Xuân Thăng nhận xét, vừa qua Chính phủ triển khai nghị quyết về tinh giản biên chế của Quốc hội khá quyết liệt, Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định liên quan. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế đã giúp giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tạo ra chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên đối chiếu các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương, ông Thăng cho rằng tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.

"Đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng", ông Thăng nói.

Tinh giản biên chế cơ học gây thiếu, thừa cục bộ

Đại biểu Cao Đình Thưởng thì cho rằng chủ trương tinh giản biên chế rất tốt, nhưng chưa có hướng dẫn khiến địa phương lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo. Vì vậy ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Theo vị đại biểu Phú Thọ, việc tinh giản biên chế viên chức sự nghiệp, nhất là giáo dục cần có lộ trình và cân nhắc kỹ. Ông dẫn chứng, vừa qua, quá trình thực hiện chủ trương này đã làm xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các địa phương. Chỉ tính riêng 43 tỉnh thiếu khoảng 76.000 người, riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Cả nước chỉ có hai tỉnh, thành đủ giáo viên.

"Không thể ghép điểm trường ở miền núi khiến các em đi học quá xa, không thể để tình trạng nhồi nhét học sinh ở các thành phố, thị xã", ông Thưởng đề nghị.

Ngày 29/5/2008, hơn 92% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)