Tỷ lệ đóng BHXH của doanh nghiệp và người lao động
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tỷ lệ đóng BXH tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Căn cứ quy định tại Luật BHXH 2024, Nghị định 58/2020 và Quyết định 595/2017 của BHXH Việt Nam thì tỷ lệ đóng BHXH năm 2025 của doanh nghiệp và người lao động như sau:
Với lao động người Việt Nam, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 32%.
Trong đó, doanh nghiệp (người sử dụng lao động) đóng 21,5% gồm: 14% cho chế độ hưu trí, 3% cho chế độ ốm đau - thai sản, 0,5% cho chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; 1% bảo hiểm thất nghiệp và 3% bảo hiểm y tế.
Người lao động đóng 10,5%, gồm: 8% vào quỹ hưu trí; 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% bảo hiểm y tế.
Với lao động người nước ngoài, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 30%.
Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận thì được đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là 0,3%.
Như vậy, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc năm 2025 của người lao động Việt Nam là 10,5%. Tới đây, công thức tính mức tiền đóng BHXH bắt buộc của người lao động Việt Nam được xác định như sau:
Mức tiền đóng BHXH 2025 = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Trong đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc theo chức danh, phụ cấp lương cùng nhiều khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất: Đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Theo quy định, mức lương đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Mức lương tối thiểu vùng đóng BHXH năm 2025 sẽ được áp dụng theo Nghị định 74/2024, cụ thể: Vùng 1 là 4.960.000 đồng; Vùng 2 là 4.410.000 đồng; Vùng 2 là 3.860.000 đồng; Vùng 4 là 3.450.000 đồng.
Những khoản tiền không phải đóng BHXH?
Góp ý về dự thảo nghị định và thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2024, BHXH Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện có rất nhiều khoản phụ cấp, khoản bổ sung để trả cho người lao động với các tên gọi đa dạng hoặc gọi theo vùng miền dẫn đến khó xác định. Việc bổ sung những khoản tiền không phải đóng BHXH sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện.
Vì vậy, cơ quan này đề xuất bổ sung những khoản tiền không phải đóng BHXH sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không gồm các chế độ và phúc lợi khác như: thưởng theo quy định tại điều 104 Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân tử vong, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động…
Mức lương đóng BHXH bắt buộc cao nhất
Cũng như quy định hiện hành, từ 1/7 khi Luật BHXH mới có hiệu lực, mức lương cao nhất đóng BHXH bắt buộc của người lao động bằng 20 lần mức tham chiếu (lương cơ sở) tại thời điểm đóng.
Cụ thể, năm 2025 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng. Do vậy, mức cao nhất đóng BHXH bắt buộc từ 1/7 là: 20 x 2,34 triệu đồng = 46,8 triệu đồng.
BHXH Việt Nam giải thích, việc quy định mức trần đóng BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo sự bình đẳng.
Thực tế có nhiều người làm quản lý trong các doanh nghiệp FDI có mức lương từ 200 - 300 triệu đồng/tháng, nếu không quy định mức trần thì lúc về hưu sẽ hưởng lương rất cao, tạo nên sự chênh lệch lớn giữa những người hưởng lương hưu.
Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân cho biết, quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu; nếu tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn đảm bảo có lương hưu cao.
Trường hợp nếu người lao động muốn lương hưu cao hơn thì có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)