Ngày 31.10, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - xác nhận, phía Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định).
“Khối lượng chính xác đơn vị tư vấn đang tính toán cụ thể. Cái này thực chất là nạo vét cửa biển, rồi tiến hành mang cát, bùn nằm ở sát bờ đem ra ngoài biển. Trong quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì cho phép, hiện tại tỉnh mới có chủ trương để lập dự án. Bùn, cát không có hại, mùa nước lũ cũng chảy ra biển nhưng thực tế do nó nằm trên vùng biển cạn nên tàu thuyền ra vô không được”, ông Châu lý giải.
Theo ông Châu, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và đưa ra yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể trước khi cấp phép.
“Cái lo sợ của chúng tôi khi đổ xuống sẽ gây đục biển. Biển Bình Định đang mùa du lịch nên rất sợ. Chúng tôi sẽ làm rất cẩn trọng. Phải mang lượng bùn, cát ra thật xa để tránh ảnh hưởng vùng biển của Bình Định”, ông Châu khẳng định.
Trong khi đó, ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT Bình Định - cho rằng, nạo vét để khơi thông luồng chảy ở cảng Quy Nhơn là cần thiết. Tuy nhiên, việc nhận chìm phải được thực hiện tránh gây tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ông Thành thông tin, phía Cục Hàng hải đã có kế hoạch nạo vét bùn luồng cảng và xử lý chất thải bùn đó. Yêu cầu được đưa ra trước khi xử lý phải có đánh giá tác động môi trường. Hiện tại, Cục Hàng hải đã thông qua đơn vị đánh giá tác động môi trường là đơn vị Bộ GTVT và họ đã đánh giá xong rồi.
“Họ đã làm việc với tỉnh Bình Định, tỉnh giao cho Sở TN&MT phối hợp xem xét xử lý nhận chìm lượng bùn sau nạo vét. Chúng tôi đang tổ chức hội đồng để xem xét. Chủ trương, kinh phí có rồi nhưng phải chờ Ủy ban tỉnh đồng ý nhận chìm mới được triển khai”, ông Thành khẳng định.
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)