Theo thông tin trên Tuổi Trẻ Online, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về góp ý sửa đổi bổ sung một số quy định của thông tư 38/2019 và thông tư 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét quy định về việc người có giấy phép lái xe ôtô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không được chạy xe với tốc độ trên 60km/h và không chạy xe trên cao tốc.
Lý do, theo Sở Giao thông vận tải là nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.
Góp ý quy định về hồ sơ người học lái xe, Sở Giao thông vận tải đề nghị bổ sung quy định về ảnh chân dung của người lái xe trên giấy phép lái xe, tương tự các quy định về ảnh chân dung của công dân trên căn cước công dân.
Lý do, giấy phép lái xe hiện nay là một loại giấy tờ cá nhân có thể thay thế căn cước công dân trong một số hoạt động xã hội. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh rõ ràng, đảm bảo tính nhận diện trên giấy phép lái xe là cần thiết.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay tại Việt Nam chưa có đơn vị sản xuất ôtô theo yêu cầu của người khuyết tật, đồng thời cũng chưa có hướng dẫn của Cục Đăng kiểm, xác nhận hệ thống điều khiển xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn.
Còn với tiêu chuẩn sức khỏe đối với người khuyết tật để được cấp giấy phép lái xe, hiện nay các hình thức khuyết tật rất đa dạng. Mặc dù Bộ Y tế có quy định một số hình thức khuyết tật chung, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện.
Do đó, Sở Giao thông vận tải cho hay việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực hiện được. Sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về nội dung đăng kiểm xe, đồng thời đề nghị Bộ Y tế chi tiết hóa điều kiện sức khỏe đối với một số trường hợp khuyết tật đặc thù.
Việc này là cơ sở để thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật, góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu cấp thiết và mong muốn của người khuyết tật được tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với hình thức đào tạo cấp giấy phép lái xe, thông tin trên VietNamNet, Sở GTVT TP cho biết theo quy định khoản 1, khoản 5, khoản 6, Điều 3, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13: “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chỉnh quy và đào tạo thường xuyên".
Sở này cho rằng hoạt động đào tạo lái xe nếu xét là loại hình giáo dục nghề nghiệp thì hoàn toàn có thể tổ chức đào tạo theo hình thức từ xa hoặc tự học có hướng dẫn (đối với các môn lý thuyết), chứ không nhất thiết phải đảo tạo tập trung như quy định hiện nay (trừ hạng B1).
Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại công nghệ 4.0, việc đào tạo từ xa đang được thực hiện phổ biến với nhiều cấp học trong 10 hệ thống giáo dục nước nhà. Ngoài ra, sau khi được đảo tạo, để điều khiển được phương tiện theo hạng GPLX, người học phải trải qua kỳ sát hạch do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Do đó, Sở đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định cho phép tổ chức đào tạo các môn học lý thuyết theo hình thức đào tạo từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các môn lý thuyết. Đồng thời xem xét giảm thời lượng các môn học lý thuyết, tập trung thời lượng để tăng cường đào tạo kỹ năng thực tế điều khiển phương tiện.
Sở GTVT TP cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung thêm quy định cho phép học viên có nguyện vọng được chuyển hạng thấp hơn hạng được đào tạo để tham dự sát hạch cấp Giấy phép lái xe, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người học...
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)