Chiều 2/4, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày.
Tại đây, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của VnExpressvề kết quả xử lý vụ "xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng tận chân cầu thang máy bay". Ông Hải cho hay Bộ Công Thương đã thành lập Hội đồng kỷ luật, xem xét kỹ sự việc cũng như quá trình công tác từng cá nhân liên quan; trong số này có người mong muốn được xử lý ở mức "rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc".
Kết quả Hội đồng đề nghị kỷ luật 3 người, gồm nhân viên lễ tân, trưởng phòng lễ tân và lãnh đạo Văn phòng Bộ. Hai mức kỷ luật được đưa ra là khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
"Trên cơ sở đề xuất này, lãnh đạo Bộ sẽ xem xét hợp lý chưa và quyết định", ông Hải nói.
Trước đó ngày 8/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".
Sự việc diễn ra lúc 18h30 ngày 4/1, khi lực lượng kiểm soát an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho ôtô biển kiểm soát của Bộ Công Thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay. Đây là tiêu chuẩn đón tiễn dành cho lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh không có trên chuyến bay này. Nguồn tin cho biết, người được chiếc xe biển xanh của Bộ Công Thương đón là vợ ông Trần Tuấn Anh.
Trả lời câu hỏi về việc thỉnh vong tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Thứ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thuỷ nói, việc lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng mong ước chính đáng của người dân để kiếm tiền là sai trái, phải chấn chỉnh.
Theo bà Thuỷ, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Nội vụ và các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh bị lợi dụng.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo ngành văn hoá các địa phương tăng cường quản lý cơ sở tín ngưỡng, di tích trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, làm sai lệch giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo ở một số địa phương, trong đó có vụ học sinh lớp 9 hành hung bạn dã man ở Hưng Yên.
"Đây có phải vấn đề báo động không. Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào?", Thủ tướng nói và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm từng trường hợp để làm gương, giữ kỷ cương phép nước.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, "chúng ta tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước".
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo ông, tới đây Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ cùng Bộ Giáo dục Đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm trong vấn đề trên.
Theo Hoàng Thùy - Viết Tuân - Hoài Thu (VnExpress.net)