Đây là một trong những nội dung được quy định tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thảo luận.
Dự thảo luật đã bỏ một số nội dung về các nhóm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển so với luật hiện hành.
Tức là, người được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển không cần thuộc các nhóm đối tượng: cam kết làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Về cơ bản, vẫn như luật hiện hành, cơ quan tuyển dụng công chức sẽ thực hiện tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận.
Tuy nhiên, với phương thức tuyển dụng qua tiếp nhận, dự thảo luật đưa ra quy định mới: Chỉ áp dụng đối với trường hợp tuyển dụng người có tài năng từ khu vực ngoài công lập hoặc tuyển dụng người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm đang là viên chức, người hưởng lương trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tổ chức cơ yếu mà không phải là công chức và các trường hợp khác đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị.
Điều đó có nghĩa là viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ và công chức cấp xã không thuộc nhóm đối tượng được tuyển dụng qua tiếp nhận. Người từng là cán bộ, công chức, sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác nếu muốn tiếp tục ứng tuyển công chức cũng phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Ở luật hiện hành, đối tượng được tiếp nhận làm công chức gồm cả những người đang là chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương.
Tuy nhiên, ở dự thảo luật sửa đổi, đối tượng này không nằm trong nhóm được tuyển dụng thông qua tiếp nhận.
Bỏ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức cấp quốc gia
Ở điều 25, dự thảo luật cũng đưa ra quy định: Cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung nội dung này nhằm đáp ứng ngay yêu cầu, nhiệm vụ phức tạp, cấp bách đòi hỏi yêu cầu người có trình độ, chuyên môn cao, có kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Dự thảo luật cũng bỏ toàn bộ nội dung điều 39 về tuyển dụng công chức, trong đó bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.
Hiện nay, kiểm định chất lượng đầu vào công chức là kỳ thi do Bộ Nội vụ tổ chức nhằm đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Kỳ thi thường được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/khong-tuyen-dung-can-bo-cong-chuc-cap-xa-bang-hinh-thuc-tiep-nhan-2398619.html