Dịch vụ đòi nợ thuê bị đề xuất cấm
Sáng 15/11, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. Dự thảo Luật Đầu tư của Chính phủ trình Quốc hội có đề xuất "nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện". Theo đó, dự thảo Luật này đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Dự thảo Luật cũng bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đặc biệt, một trong những nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm là dự thảo Luật đã bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Chính phủ đề nghị đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; đồng thời đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, Về việc đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai không nên đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
ĐBQH lo lắng trước hình thức đòi nợ biến tướng
Cũng trong buổi thảo luận tại Tổ ngày 15/11 về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đã nêu lên thực trạng của hình thức kinh doanh đòi nợ thuê tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Đại biểu Dung nhấn mạnh về việc các đối tượng đòi nợ thuê sử dụng các đối tượng xã hội đen, xăm trổ kéo đến nhà con nợ uy hiếp với mục đích đòi nợ.
Cũng theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, trên thực tế nhu cầu về dịch vụ đòi nợ thuê là có và đã được thể chế thành Nghị định 104 từ năm 2007. Đại biểu cũng dẫn chứng các doanh nghiệp đòi nợ thuê đã biến tướng trong thời gian gần đây nở rộ như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương diễn biến hết sức phức tạp. Theo phân tích của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đối với những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân với nhau, giữa doanh nghiệp với nhau... chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng vì không đủ cơ sở, thậm chí lo ngại chậm giải quyết.
Đại biểu Mỹ Dung cho rằng, chủ nợ thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty với tỷ lệ cao, trên 50% nhưng đổi lại họ sẽ đòi được nợ. Hiện nay, cơ quan nhà nước có nhiều công cụ, cơ chế như thi hành án nhưng làm việc không hiệu quả, việc giải quyết các khoản nợ tranh chấp không đạt kết quả, trong khi đó dịch vụ đòi nợ mang lại hiệu quả, nguyên nhân của việc này là dịch vụ đòi nợ có tính chất xã hội đen.
Liên quan đến những hệ lụy thấy rõ của loại hình kinh doanh này, đại biểu Mỹ Dung cho rằng, nhiều vụ việc đòi nợ xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Dương… gây mất trật tự an ninh. Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh: "Chiêu trò của các nhóm đòi nợ này là sử dụng xã hội đen, xăm trổ, lực lưỡng, rần rần đến nhà con nợ. Con nợ chỉ nhìn thấy thôi đã sợ chứ chưa cần thiết phải đe dọa hay hành hung. Thậm chí họ còn sử dụng các chiêu khác như đe dọa người thân hay nắm bắt các bí mật rồi đe dọa công khai nếu không trả nợ".
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã làm rõ hơn về đề xuất cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhu cầu đòi nợ thuê là có và đây là vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Đối với mặt tích cực thì dịch vụ này đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, thu hồi được nợ. Riêng mặt tiêu cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra sự biến tướng như sử dụng xã hội đen đòi nợ…
Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)