Theo thông tin được đăng tải trên TTXVN, tại Việt Nam, sản phẩm thuốc lá điện tử đang được quảng cáo gây hiểu nhầm như sản phẩm không gây hại và có tác dụng thay thế thuốc lá thông thường. Do vậy, Bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ, bỏng, chấn thương, gãy xương.
Dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: hiện có hai nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. "Hai nhóm này khác nhau là do thuốc lá điện tử chưa nicotine (không phải là lá thuốc). Còn thuốc lá nung nóng chứa lá thuốc và nicotine và là sản phẩm thuốc lá", ông Lâm thông tin.
Cơ chế hoạt động của thuốc lá điện tử là nung nóng một loại dung dịch chứa nicotine tạo ra khói aerosol người sử dụng hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol hoặc Glycerin. Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử, shisha điện tử.
Còn thuốc lá nung nóng là khi nung sợi thuốc lá tới khoảng 350 độ C bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá, khoảng 600 độ C.
Tính đến tháng 10/2019, trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm thuốc lá điện tử; 56 quốc gia cho phép bán thuốc lá điện tử nhưng có các quy định, hạn chế về việc bán;30 quốc gia quy định hàm lượng nicotine (hay các hàm lượng chất khác) trong thuốc lá điện tử.
Được biết, Hội thảo do Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức. Tại buổi Hội thảo, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, để hạn chế việc hút thuốc lá điện tử cũng như các loại thuốc lá truyền thống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục cho cộng đồng hiểu rõ về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Cần phải có biện pháp chấn chỉnh, siết chặt quản lý đối với các trường hợp quảng cáo thiếu trung thực, gây hiểu lầm cho người dùng.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: hiện nay, việc quảng bá thuốc lá điện tử đang diễn ra tràn lan, thậm chí còn coi đây như là sản phẩm có lợi, có tác dụng cai nghiện thuốc lá thông thường. Vụ trưởng Vụ Pháp chế lo ngại, nếu thuốc lá điện tử cứ được quảng cáo gây hiểu lầm như vậy sẽ làm một bộ phận giới trẻ nghiện các loại thuốc lá điện tử, nguy hại khôn lường với sức khỏe.
Theo PV (Ngaynay.vn)