Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Vụ trưởng Pháp chế cũng thừa nhận rào cản về mặt tâm lý, đạo đức. Trong quan niệm của nhiều người Việt dù bố mẹ có nằm sống thực vật vài năm trời người ta vẫn còn hy vọng, còn nước còn tát, không nỡ rút máy thở ra dù biết sự giải thoát cho người ấy cũng chính là giải thoát cho người thân trong gia đình. Đạo đức xã hội không bao giờ cho phép.
Bên cạnh đó, bản thân bác sĩ cũng không dám. Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì nguyên tắc là còn nước còn tát, còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng, khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn nữa. Lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc.
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc cho phép nhân viên y tế thực hiện cái chết nhân đạo thì liệu có vi phạm y đức hay không. Với những bác sĩ thấy được sự đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần thì muốn giải thoát cho người bệnh còn hơn là để họ sống thực vật, sống vật vã đến lúc cuối cùng. Những bệnh nhân này dù sống nhưng không cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống. Để đối phó với những cơn đau, giảm sự vật vã, họ cần được tiêm moocphin.
"Nếu pháp luật cho phép, bác sĩ có thể giúp người bệnh ra đi một cách thanh thản bằng cách kết hợp nhiều biện pháp như: cho thuốc mê, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim... Đấy cũng được coi là nhân đạo, còn hơn để người bệnh sống thế kia", tiến sĩ Quang nói.
Vì thế, ông Quang đề xuất bổ sung cái chết nhân đạo vào dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi. Năm 2005 đề xuất này từng được đưa ra, nhưng khi đó các đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp và sẽ xem xét sau.
Theo Nam Phương (VnExpress.net)