Đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng phạt tù chung thân với 8 tội danh

13/04/2025 16:21:23

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ "hình phạt tử hình" sang "hình phạt tù chung thân" là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng ta.

Sáng 13/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025, cho ý kiến vào 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng phạt tù chung thân với 8 tội danh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi các điều liên quan đến hình phạt tử hình. Theo đó, dự kiến bỏ "hình phạt tử hình" và thay thế bằng "hình phạt tù chung thân" không xét giảm án, vẫn đảm bảo cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội tại 8/18 tội danh của Bộ Luật hình sự hiện hành.

Cụ thể bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất sản xuất, kỹ thuật của Nhà nước; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; tội gián điệp; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, lịch sử sửa đổi Bộ Luật hình sự đã giảm hình phạt tử hình đối với 44 tội xuống 30 tội, rồi xuống 28 tội và lần sửa đổi gần nhất là 18 tội. Lần sửa đổi này tiếp tục sửa bỏ "hình phạt tử hình" thay bằng "hình phạt tù chung thân" không xét giảm án là đủ nghiêm khắc.

Riêng đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, ông Bình cho rằng, hai loại tội này thì mục đích là tiền, cho nên làm sao để thu được cho hết tiền đã tham ô, nhận hối lộ, chứ không phải là hình phạt tử hình.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng phạt tù chung thân với 8 tội danh - 1
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cho ý kiến vào 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết. Ảnh: Nhật Bắc

Thể hiện tính nhân văn, nhân đạo

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự này phải bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị để rà soát, cụ thể hóa vấn đề. Những vấn đề gì "đã chín, đã rõ", đưa được vào Bộ Luật dân sự thì làm luôn, đừng quá phức tạp hóa vấn đề sẽ khó làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ "hình phạt tử hình" sang "hình phạt tù chung thân" là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng ta; thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của Nhà nước ta; thể hiện sự tự tin của các cơ quan pháp luật.

Phát biểu khai mạc trước đó, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế hiện là điểm nghẽn lớn nhất, điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng cũng là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất.

Thủ tướng chỉ rõ, trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải chú ý làm rõ: Những nội dung kế thừa, lược bỏ, vì sao? Những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, vì sao? Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì sao? Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao?...

Thủ tướng cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc trong tháng 5 sẽ xem xét, thông qua số lượng dự án luật, nghị quyết rất lớn, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua 35 luật, nghị quyết quy phạm.

 

Nổi bật