Sáng 8/5, trong ngày làm việc thứ 2, hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã cho ý kiến vào Đề án "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.
Qua thảo luận, các Ủy viên Trung ương đều đánh giá cao và cho rằng đây là nội dung lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Về đề xuất bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, quy định này sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì người đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn. Hơn nữa, lãnh đạo cấp ủy từ nơi khác đến thì sự giám sát của người dân sẽ chặt chẽ hơn; bản thân vị lãnh đạo đó cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
"Chúng ta nên làm từng bước, tỉnh đông đồng bào dân tộc thì bố trí bí thư là người địa phương để tạo dựng ngọn cờ, tạo điều kiện xây dựng mối đại đoàn kết tốt hơn; còn những tỉnh khác thì có thể thực hiện được", ông Thể góp ý.
Chia sẻ nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, mỗi người đều có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp, kể cả những thế hệ trước có công đào tạo mình. Vì vậy, nhiều khi cán bộ rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc.
Ông thẳng thắn thừa nhận, nếu không phải người địa phương thì sẽ khó khăn nắm địa bàn, lòng dân, nhưng là người địa phương thì lại có thể nể nang, né tránh trong xử lý công việc.
"Những thiếu hụt về nắm bắt địa bàn có thể bù đắp, còn tình cảm rất khó xử lý. Vì vậy tôi ủng hộ phương án lãnh đạo không phải người địa phương", ông Chiến nói.
Một số ý kiến khác đề nghị triển khai nhất quán ngay từ đầu chủ trương nêu trên, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và để làm được điều này, thì ngay từ bây giờ Trung ương phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Bí thư, đảm bảo tính chất vùng miền, dân tộc...
Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh chủ tịch UBND tỉnh.
Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tập trung vào khâu đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng. Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng tình với hình thức đánh giá này.
"Tỉnh đặt hàng cho các Bí thư, Chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết. Và cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn", Bí thư Quảng Trị cho hay.
Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, nhiều đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của công chức.
Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn đề nghị Trung ương cần nghiên cứu, xây dựng chế tài giám sát người đứng đầu. Theo ông, đây chính là mấu chốt dẫn đến quy chế, quy trình công tác cán bộ đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai.
Hội nghị Trung ương 7 dự kiến làm việc đến ngày 12/5. Ba đề án trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đã nghe báo cáo về các đề án nêu trên và làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo Lan Hạ (VTV)