Đề xuất bán ngay xe vi phạm bị tạm giữ

06/05/2025 07:28:33

Tại dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi, do Bộ Tư pháp soạn thảo, đơn vị này đã đề xuất cơ quan chức năng được bán ngay phương tiện giao thông vi phạm nếu không có kho bãi đủ điều kiện tạm giữ.

Dự thảo Luật xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi do Bộ Tư pháp soạn thảo có 2 điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Hiệu lực thi hành.

Cụ thể, về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính được nâng từ 1 năm lên thành 2 năm; trường hợp luật khác có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì tối đa không quá 5 năm.

Về mức phạt tiền, Bộ Tư pháp đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là từ 300 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 600 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định khác. Mức phạt này tăng lên đáng kể so với Luật hiện hành, khi mức phạt thấp nhất là 50 nghìn đồng đối với cá nhân và 100 nghìn đồng đói với tổ chức.

Đối với địa bàn TP. Hà Nội và khu vực đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.

Đặc biệt, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Tư pháp cũng đề xuất bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu không đến nhận và không xác định được người sử dụng hợp pháp.

Cụ thể, các trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ gồm: Tang vật có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp.

Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện sẽ gửi vào Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tư pháp, quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải quản lý tang vật và giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản, nhất là tình trạng phương tiện giao thông bị tạm giữ, chất đống, phơi mưa, phơi nắng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5 năm nay.

Đề xuất bán ngay xe vi phạm bị tạm giữ
Hàng nghìn chiếc xe phủ bụi, phơi mưa phơi nắng tại bãi trông giữ phương tiện ở Nam Từ Liêm, Hà Nội (Phúc Tài)

MẤT GIÁ TRỊ, GÂY LÃNG PHÍ

Vì sao Bộ Tư pháp lại đề xuất bán ngay phương tiện vi phạm nếu không có kho bãi, nơi bảo quản? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế PACC.

PV: Thưa ông, một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi là cho phép bán ngay phương tiện giao thông vi phạm nếu không có nơi bảo quản. Vì sao Ban soạn thảo đưa ra đề xuất này?

TS Trần Minh Sơn: Lý do Ban soạn thảo đưa ra đề xuất này là nhằm hạn chế tình trạng quá tải, xuống cấp, hư hỏng phương tiện bị tạm giữ. Hiện nay, nhiều địa phương không có kho bãi bảo quản phương tiện vi phạm, hoặc có thì cũng quá tải, không đủ điều kiện an toàn. Khi không có nơi bảo quản thích hợp, phương tiện dễ bị hư hỏng, mất giá trị, thậm chí gây lãng phí tài sản lớn cho người vi phạm lẫn Nhà nước.

Thứ hai, tiết kiệm chi phí cho ngân sách và lực lượng chức năng: Việc bán ngay các phương tiện như vậy giúp giảm gánh nặng chi phí, giải phóng diện tích kho bãi; hạn chế thất thoát trong quá trình tạm giữ.

Ba là, tránh trường hợp cố tình “cố tình từ bỏ quyền sở hữu”: một số cá nhân, tổ chức sau khi bị tạm giữ phương tiện đã không đến nhận lại phương tiện vì đã cũ, hư hỏng hoặc không có giấy tờ hợp lệ. Nếu không có quy định xử lý nhanh, những phương tiện này nằm lại lâu dài gây tồn đọng, phát sinh trách nhiệm quản lý vô ích cho cơ quan chức năng.

PV: Để quy định này được thực thi, tạo điều kiện cho cơ quan ra quyết định thu giữ, cũng như góp phần tránh lãng phí, dự thảo Luật đặt ra các điều kiện cụ thể ra sao?

Đề xuất bán ngay xe vi phạm bị tạm giữ - 1
TS Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế PACC

TS Trần Minh Sơn: Tiêu chí 1: Điều kiện về cơ sở vật chất: Tổng số lượng, thể tích, hoặc trọng lượng của tang vật, phương tiện cần tạm giữ tại thời điểm phát hiện vượt quá 90% dung tích hoặc diện tích chứa tối đa theo thiết kế/công bố của kho, bãi tạm giữ thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn, hoặc kho không đáp ứng được điều kiện kỹ thuật đảm bảo.

Tiêu chí 2, về tính chất vật lý của tang vật: cơ quan không có hoặc không thuê được ngay cơ sở bảo quản đáp ứng yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, hoặc môi trường đặc thù cần thiết; không có kho bãi được cấp phép đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, chống tràn, xử lý chất thải nguy hại để lưu giữ.

Tiêu chí 3: Chi phí bảo quản dự kiến không hiệu quả về mặt kinh tế: Chi phí dự kiến cho việc thuê kho, bãi bên ngoài hoặc chi phí vận hành, duy trì các điều kiện bảo quản chuyên biệt trong thời gian dự kiến tạm giữ theo quy định vượt quá 50% hoặc 70% giá trị ước tính của tang vật, phương tiện tại thời điểm tạm giữ.

Tiêu chí 4: Nguy cơ cao về an toàn, an ninh, hoặc môi trường không thể kiểm soát tại địa điểm sẵn có: Có đánh giá, xác nhận bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về việc lưu giữ tang vật tại kho bãi hiện tại hoặc địa điểm sẵn có tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra những vấn đề không thể kiểm soát được. Tang vật có giá trị đặc biệt lớn, dễ bị tiêu thụ, tẩu tán hoặc mất cắp, và cơ quan không có khả năng đảm bảo các biện pháp an ninh cần thiết.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo luật lần này?

TS Trần Minh Sơn: Giải quyết tình trạng quá tải tại các điểm tạm giữ: Quy định mới cho phép bán bớt phương tiện sẽ giúp giải phóng không gian, tạo điều kiện tiếp nhận và lưu giữ các phương tiện mới bị tạm giữ hiệu quả hơn.

Giảm thiểu chi phí cho ngân sách nhà nước: Quy định bán ngay khi không có nơi bảo quản tránh lãng phí tài sản xã hội: Việc bán ngay trong trường hợp không có nơi bảo quản sẽ giúp thu hồi giá trị còn lại của tài sản trước khi bị giảm sút nghiêm trọng, tránh lãng phí cho xã hội…

PV: Xin cảm ơn ông.

CẦN QUY ĐỊNH THỜI GIAN

Việc cho phép bán ngay phương tiện vi phạm nếu không có kho bãi, nơi bảo quản, nếu trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định rất nhiều cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cũng như cấp huyện thì sắp tới đây sẽ không còn cơ quan thanh tra cấp Sở nữa, mà cơ quan thanh tra cấp Sở lại có quyền xử phạt vi phạm hành chính, mà chính quyền cấp huyện thì quyền hạn để xử phạt vi phạm hành chính cũng rất nhiều.

Cho nên việc sửa đổi những vấn đề này là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tiễn.

PV: Một trong những điểm nổi vật của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi lần này là cquy định cơ quan chức năng có thể bán ngay phương tiện giao thông vi phạm nếu họ không có nơi để bảo quản. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

Đề xuất bán ngay xe vi phạm bị tạm giữ - 2
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đối với những phương tiện giao thông sau khi lập biên bản xử lý, nói như vậy, nhưng cũng phải có một thời gian, thì mới xử lý, còn xử lý liền thì đâu được. Phải có thời gian. Ví dụ ta quy định là 10 ngày, nửa tháng hay một tháng. Khi hết thời hiệu xử lý vi phạm về tạm giữ xe thì đơn vị, cơ quan đó, đặc biệt là lực lượng CSGT đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định tịch thu, bán đấu giá, với điều kiện theo quy định của dự thảo Luật là những nơi không có bãi chứa và nhà giữ những phương tiện này, mà thực tế hiện nay, một số nơi, kể cả như nơi tôi đang ở (Đồng Tháp), công an xã tạm giữ những phương tiện tham gia giao thông vi phạm rất nhiều, không có chỗ giữ, để ở ngoài, cho nên rất lãng phí.

Cho nên việc đề xuất sửa đổi bổ sung, xử lý, tịch thu bán đấu giá những phương tiện tham gia giao thông vi phạm quá thời hạn như vậy là rất cần thiết.

PV: Theo ông, để thực hiện được việc cho phép cơ quan chức năng bán đấu giá sớm phương tiện vi phạm khi không có kho bảo quản thì cần quy định cụ thể ra sao?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Cần có quy định, ví dụ như phương tiện đó đâu phải là hóa giá bán liền được, mà thời hạn nên trong vòng 6 tháng, thì lúc đó mới xử lý, với điều kiện kho bãi không đủ, như vậy mới tổ chức thực hiện. Trước đây chúng ta quy định thủ tục tịch thu xe để hóa giá bán tài sản đó, thười gian dài lắm. Bây giờ rút ngắn vậy tôi thấy rất phù hợp.

Điều kiện nữa là sau khi quá thời hạn, mà chủ xe không đến nhận, hoặc là xe không có chủ sở hữu, xe không có giấy tờ thì xem như xe này vô chủ, thì tùy theo những trường hợp cụ thể thì đơn vị, cá nhân đề xuất cấp có thẩm quyền tịch thu và bán đấu giá những phương tiện này để tránh những trường hợp lạm dụng, khi chưa quá thời hạn mà xe người ta bị giam giữ đem đi hóa giá.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi được ban hành, sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Cái cơ bản, cốt lõi đó là không để cho những loại xe dó chất đống, chất chồng và để bị mưa gió, xuống cấp, giá trị tài sản sẽ không cao. Mặt khác, đối với nhiều người dân khi bị xử phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông thì kịp thời nộp tiền phạt khi bị xử lý, còn không thì sẽ bị tịch thu, bán đấu giá mà không có quyền khiếu nại.

Tôi nghĩ rằng đây là một tác động xã hội rất lớn, để người dân có nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Tư pháp, hiện tất cả các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM không còn bãi để giữ xe vi phạm, việc xử lý các tài sản này đang rất vướng về mặt pháp lý. Điều này cũng gây lãng phí tài sản và khiến các kho bãi tạm giữ phương tiện luôn đối diện nguy cơ cháy nổ rất cao.

Bởi vậy, dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi đã đề xuất bổ sung quy định cho phép bán ngay phương tiện vi phạm nếu không có kho bãi bảo quản.

 

Theo Quách Đồng (VOV Giao thông)